rss
twitter
    Find out what I'm doing, Follow Me :)

Tiểu luận nhóm 1 - E33: Phân tích tác động của việc Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước Trung Quốc, Liên Xô và các nước XHCN khác

ĐỀ CƯƠNG CHI TIẾT
I. Đặt vấn đề:
- Đột phá ngoại giao mùa xuân 1950
- Bối cảnh.
- Tranh cãi
- Nêu phạm vi đề tài nghiên cứu.
II. Giải quyết vấn đề:
 Phân tích dựa trên bối cảnh và đặc điểm được xem là thiếu sót lớn của Việt Nam.
 1. Những sự lựa chọn cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao trong giai đoạn này:
a. Trung lập:
- Nhìn nhận từ tình hình trong nước và thế giới.
o Mục tiêu về phá vòng vây của địch của Đảng ta, nhu cầu về sự ủng hộ, viện trợ và sự công nhận của thế giới về nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
o Cuộc đối đầu Đông – Tây ngày càng gay gắt.
- Đánh giá: mang lại rủi ro nhiều hơn cơ may do sự hoài nghi và lưỡng lự cả Liên Xô và Mỹ.
b. Theo Mỹ:
- Tư tưởng cách mạng của Hồ Chí Minh về cách mạng tư sản và con đường cách mạng dân tộc dân chủ.
- Động thái của Mỹ:
o Phớt lờ những hoạt động ngoại giao của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
o Ủng hộ chính quyền Bảo Đại
o Viện trợ cho Pháp
  Mỹ từ chỗ là kẻ thù tiềm tàng trở thành kẻ thù trực tiếp của cách mạng Việt Nam.
  Biện pháp khó thực hiện,
c. Đột phá ngoại giao mùa xuân 1950
- Hợp với tình hình trong nước và thế giới
o Phong trào cách mạng trong nước đang lên
o Thay đổi tương quan so sánh lực lượng có lợi chop he xã hội chủ nghĩa, cho phong trào giải phóng dân tộc.
- Mang lại nhiều lợi ích có thể nhận thấy ngay được.
  Phá vỡ vòng vây quân địch và nhận được viện trợ và sự ủng hộ to lớn từ bạn bè thế giới.

 2. Nhận định của Đảng ta:
- Nhận định về lợi ích mà ta sẽ đạt được.
- Cảnh báo về sự ỷ lại, khẳng định phương châm cuộc kháng chiến của nhân dân ta là dựa vào sức mình là chính, tự lực cánh sinh là chính.
- Nhận thức về sự tăng cường tấn công từ phe đế quốc.
 3. Liệu những bước đi có theo dự đoán:
 a. Những diễn biến theo nhận định
 - Những tác động tích cực: được sự công nhận của đông đảo bạn bè quốc tế, nhận được viện trợ, nhận được sự đồng tình ủng hộ…
 - Những tác động tiêu cực: sự tăng cường tấn công từ phe đế quốc
 b. Thiếu sót trong nhận định của Đảng:
 - Khu biệt hóa quan hệ đối ngoại.
 - Quá tin tưởng vào Liên Xô và Trung Quốc, không lường hết được âm mưu, tính toán của hai nước này  chịu sức ép rất nhiều từ hai đồng minh này, trở thành quân chốt trong ván bài với thực dân Pháp của Liên Xô và Trung Quốc  Hiệp định Geneva về Đông Dương không đạt được những đòi hỏi đáp ứng đầy đủ yêu cầu chính trị của ta và không phản ánh được đầy đủ tương quan so sánh lực lượng của ta và địch trong cuộc đàm phán Hiệp định Geneva.
III. Kết thúc và mở rộng vấn đề:
a. Khẳng định: Đột phá ngoại giao mùa xuân 1950 là một thắng lợi ngoại giao to lớn trong lịch sử cách mạng ta. Bước tiến ngoại giao này đã đem lại nhiều lợi ích; tuy nhiên, chính sự thiếu sót trong nhận định đầy đủ về tình trạng khu biệt hóa quan hệ đối ngoại của ta; âm mưu và tính toán của Liên Xô và Trung Quốc là một hạn chế, nếu không phải nói là khiếm khuyết lớn bắt nguồn chủ yếu từ sự tin tưởng của chúng ta vào tinh thần ý thức hệ xã hội chủ nghĩa.
b. Mở rộng: 
- Nhân dân Việt Nam phải tiếp tục trường kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ trong 30 năm trong tình trạng đất nước bị chia cắt.
- Những sức ép lớn hơn từ phía Trung Quốc trong những thời kỳ sau này.








ĐẶT VẤN ĐỀ
  Như chúng ta đã biết, từ cuối năm 1949, với tầm nhìn xa và sớm nắm bắt thời cuộc, Hồ Chí Minh và Ban thường vụ Trung ương Đảng đã tiến hành thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và Liên Xô. Bước đi này được coi là một bước đột phá ngoại giao Xuân 1950.
 Vâỵ liệu rằng ngoài sự thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, Việt Nam có còn sự lựa chọn nào khác hay không? Tại sao Việt Nam không duy trì chính sách đối ngoại trung lập để tranh thủ sự giúp đỡ từ cả 2 phía Mỹ và Liên Xô như trước mà lại quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa; nghĩa là chúng ta chính thức đứng hẳn về phe dân chủ và nhập vào khối 800 triệu nhân dân chống đế quốc? Tại sao giai đoạn này Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không lựa chọn con đường thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ để nhận được viện trợ từ Mỹ chống Pháp, biết đâu Mỹ sẽ tạo sức ép buộc Pháp phải nhanh chóng rút quân về nước, trả lại tự do cho đất nước ta, dân tộc ta; chúng ta sẽ tránh được cuộc chiến tranh khốc liệt và đẫm máu chống Mỹ, tên đế quốc đầu sỏ, bà sen đầm của thế giới? Và liệu rằng trong giai đoan 1950 – 1954, mọi bước đi đều theo dự tính của Đảng ta, hay sẽ có một vài điều đi lệch khỏi quỹ đạo?
 Thông qua bài tiểu luận “ĐỘT PHÁ NGOẠI GIAO XUÂN 1950 – NHỮNG TÍNH TOÁN VÀ SỰ BẤT NGỜ TỪ 1950 ĐẾN 1954”, chúng em xin đưa ra một vài nhận định của mình từ những tài liệu mà chúng em đã tìm hiểu.
















GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
I. Bước tiến ngoại giao – sự lựa chọn ở ngã ba đường
1. Trung lập – nước cờ đã lỗi thời và trở nên mạo hiểm:
 Trước tiên là bởi điều kiện lúc này không còn giống như giai đoạn 1945 nữa; không còn Ru-dơ-ven làm tổng thống Mỹ với đề nghị thiết lập chế độ thác quản ở Đông Dương và sau đó trao trả độc lập khi điều kiện chín muồi như mô hình Philippin nữa, thay vào đó là Tổng thống Truman đã bỏ ý định này. Hơn nữa, khi nước ta bắt đầu cuộc kháng chiến và trong bốn năm đầu chúng ta ở một vị trí địa – chính trị cực kỳ bất lợi. Sau cách mạng tháng Tám đến năm 1949, Việt Nam hoàn toàn chiến đấu trong vòng vây của kẻ thù; hoạt động đối ngoại rất gian nan và cực kỳ hạn chế: không đồng minh, không có viện trợ, không có đường liên hệ ra nước ngoài, không giao thương quốc tế. Về mặt quân sự, Việt Nam ở trong thế cầm cự gian nan, chiến trường chia cắt, căn cứ điạ chính là Việt Bắc cũng ở trong thế bị bao vây. Những nhu cầu cơ bản về lương thực, vũ khí, quân trang, quân dụng; phục vụ kháng chiến, bảo đảm đời sống nhân dân đều thiếu thốn, eo hẹp. Hơn nữa, do hoàn cảnh lịch sử, Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa thành lập đến nay chưa được nước nào công nhận. Sự khen ngợi của đông đảo bạn bè thế giới đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kiên cường của nhân dân Việt Nam chỉ là sự chi viện về tinh thần. Chính vì thế, những gì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thời gian này cần là sự chi viện quốc tế về vũ khí, phương tiện chiến tranh, vật dụng hậu cần để vượt qua khó khăn, đẩy mạnh kháng chiến; đồng thời chúng ta cần phá hẳn thế bao vây của địch, nối liền Việt Nam với hậu phương quốc tế rộng lớn, tăng vị thế của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên trường quốc tế.
 Nếu vào thời điểm đó, chúng ta vẫn đi theo con đường trung lập thì rủi ro có thể nhiều hơn cơ may, chúng ta có thể đối mặt với nguy cơ không được sự giúp đỡ từ bất cứ phe nào, Liên Xô cũng như Mỹ. Bởi lẽ, giai đoạn 46 – 47, quan hệ giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Liên Xô có những khó khăn nhất định. Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều thư điện cho người đứng đầu chính phủ Liên Xô, nhưng không có phúc đáp; bản thân Mỹ lại phân vân không biết Hồ Chí Minh theo chủ nghĩa dân tộc hay chủ nghĩa cộng sản. Nếu cả Mỹ và Liên Xô đều trở nên thất vọng trong việc lôi kéo Việt Nam trở thành đồng minh thì nguy cơ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải tiếp tục duy trì cảnh đấu tranh trong vòng vây không phải là không có khả năng xảy ra. Đó hoàn toàn không phải những gì mà chúng ta mong đợi.
 Đồng thời, vào thời điểm đó, tình hình thế giới và châu Á có nhiều biến động sâu sắc. Cuộc đối đầu đông – tây mà đứng đầu là Liên Xô, đại diện cho khối xã hội chủ nghĩa (XHCN) và Mỹ đại diện cho khối tư bản chủ nghĩa (TBCN) ngày càng trở nên gay gắt về mọi phương diện; hai khối này giành giật với nhau từng đồng minh. Theo một nghiên cứu của hội đồng an ninh quốc gia Mỹ tháng 06/1949, mục tiêu trước mắt của Hoa Kỳ là ngăn chặn và làm suy giảm quyền lực và ảnh hưởng của Liên Xô ở châu Á, để không có khả năng đe dọa an ninh của Mỹ tại khu vực này và trên thế giới . Thêm vào đó, ngày 01/10/1949, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập lại càng làm tăng thêm sự lo ngại của Mỹ về sự phát triển và lan rộng của chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở khu vực này. Mỹ e ngại thuyết con bài đôminô, rằng bất kỳ một nước nào ở Đông Nam Á “rơi vào sự kiểm soát cộng sản” sẽ dẫn tới việc các nước đó đổ và đi theo chủ nghĩa cộng sản; tình hình này sẽ lan sang Nam Á và Trung Cận Đông, thậm chí sẽ đe dọa sự ổn định và an ninh của Tây Âu . Hơn nữa, theo như đánh giá của đế quốc Anh, đế quốc Anh coi Việt Nam là chiếc chìa khóa của Đông Nam Á, phải “giữ chặt lấy nó để vít chặt cửa ngõ vào vùng quyền lợi của đế quốc ở Đông Nam Á” .
 Chính những điều này đã biến cuộc kháng chiến của nhân dân ta trở thành vấn đề quốc tế giữa hai phe, buộc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải lựa chọn hoặc là trở thành đồng minh của Mỹ; hoặc là gia nhập hàng ngũ dân chủ, tham gia vào khối 800 triệu nhân dân chống đế quốc. Chúng ta không được quyền lựa chọn giải pháp thứ ba là đứng ở vị trí trung lập được nữa.
 2. Hy vọng sự ủng hộ từ Mỹ – con đường cụt:
 Việt Nam Dân chủ Cộng hòa luôn nỗ lực trong việc cứu vãn một nền hòa bình; luôn thể hiện và khẳng định lập trường quan điểm của mình về cuộc chiến tranh đang diễn ra ở Việt Nam là một cuộc chiến tranh chính nghĩa, chỉ nhằm đánh đuổi thực dân Pháp, thống nhất và xây dựng đất nước; những lợi ích của toàn Đảng, toàn dân Việt Nam là hoàn toàn không mâu thuẫn với lợi ích của dân tộc Mỹ. Từ tháng 8/1945 đến tháng 2/1946, Hồ Chí Minh đã 11 lần gửi thư và công hàm đề nghị Mỹ công nhận Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu các quan điểm về chính sách đối ngoại hữu nghị và hợp tác của Việt Nam, khẳng định Việt Nam muốn “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”. “Việt Nam sẽ hợp tác với mọi nước vui lòng hợp tác thật thà và bình đẳng với Việt Nam” . Đồng thời, vào năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần gửi thư cho chính phủ Mỹ, trình bày rõ lập trường quan điểm của nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mặc dù vậy, Mỹ đã bất chấp mọi nỗ lực hòa bình của chúng ta. 
 Mỹ bắt đầu manh nha ý đồ ủng hộ Bảo Đại. Phải chăng đó là một hệ lụy của một việc chúng ta giữ thế trung lập trong giai đoạn trước? Một khi Mỹ trở nên quá thất vọng với khả năng có thể lôi kéo được Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào guồng máy đồng minh của mình, Mỹ hiển nhiên sẽ lựa chọn con đường khác, biện pháp khác để nhằm đảm bảo được an ninh và quyền lợi của họ ở Việt Nam, để đối trọng với chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà theo tình huống xấu nhất Mỹ dự trù là theo phe XHCN, trở thành đồng minh của Liên Xô. Mỹ đã thúc ép Pháp thực hiện “giải pháp Bảo Đại”. Bởi lúc này, Mỹ quá e ngại trước việc CNXH sẽ nhanh chóng phát triển và lan rộng ra khắp khu vực Đông Nam Á, có thể lan sang Nam Á và Trung Cận Đông và đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định và an ninh của Tây Âu, đồng thời là quyền lợi và vị trí của Mỹ ở khu vực châu Á. Tháng 12/1947, một nhà ngoại giao Mỹ tuyên bố Hoa Kỳ “phải công nhận Bảo Đại, giúp ông ta tổ chức quân đội” và “nếu nước Pháp không muốn biện pháp đó, thì nước Mỹ nắm lấy việc này trong tay” . Mỹ ép Pháp trao thêm quyền hành cho Bảo Đại. Đồng thời, trong bức điện ngày 10/05/1949 Ngoại trưởng Mỹ Acheson gởi cho Lãnh sự Mỹ ở Sài Gòn, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng cho biết “vào một thời gian thích hợp và trong những hoàn cảnh thích hợp, Bộ Ngoại giao sẽ thực hiện việc công nhận chính phủ của Bảo Đại và sẽ bày tỏ khả năng cung cấp viện trợ kinh tế và vũ khí của Mỹ cho chính phủ đó” . Hơn nữa, Mỹ còn triển khai lộ trình giúp Pháp, tích cực viện trợ quân sự và kinh tế cho Pháp để đẩy mạnh chiến tranh; đồng thời, từ cuối năm 1949, Mỹ cùng Anh thỏa thuận giúp thực dân Pháp và đưa cuộc chiến tranh vào quỹ đạo chiến lược chiến tranh lạnh của Mỹ và biến Đông Dương, Nam Triều Tiên, Đài Loan… thành cứ điểm chống cộng – một thuộc địa kiểu mới của Mỹ, nhằm đối phó lại mọi mối đe dọa, từng bước thực hiện ý đồ xây dựng ảnh hưởng trực tiếp đối với ngụy quân, ngụy quyền tại Việt Nam. Do đó, Mỹ từ chỗ là kẻ thù tiềm tàng trở thành kẻ thù trực tiếp của cách mạng Việt Nam.
 Trong tình huống, mọi nỗ lực cứu vãn một nền hòa bình của chúng ta đều bị phớt lờ, đồng thời chính phủ Mỹ đã tỏ rõ những động thái công kích Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - viện trợ cho Pháp trong cuộc chiến tranh Việt Nam, thể hiện rõ ý đồ ủng hộ Bảo Đại, thúc ép Pháp công nhận chính phủ Bảo Đại và cung cấp, viện trợ cho chính quyền Bảo Đại nhằm chống đối lại Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; việc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn cố gắng cứu vãn và trông chờ vào một sự giúp đỡ hay ủng hộ của Mỹ quả thực là một bước đi sai lầm. Và liệu chúng ta nên tỏ nguyện vọng trở thành đồng minh với đối tượng mà mọi ý đồ xâm lược chúng ta đã không còn được che dấu?
 3. Thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa là một bước đi quan trọng, phù hợp với thời và thế
 Sự ra đời của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa vào ngày 01/10/1949 đã tạo ra một bước ngoặt trong tình hình châu Á và thế giới, ảnh hưởng tích cực đến cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở Đông Dương. Đặc biệt từ sau khi Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tiến xuống phía Nam, vượt sông Dương Tử (04/1949), tạo sức ép tâm lý lớn đối với chính quyền thực dân và quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương; hoạt động ngoại giao của nhà nước ta, nhân dân ta có điều kiện bám sâu vào các nước XHCN, tạo ra những nhân tố quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp kháng chiến của nhân dân ta.
 Tình hình thế giới thời gian này diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, ảnh hưởng to lớn đến tiến trình phát triển của quan hệ quốc tế, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc trên thế giới. Nổi bật là sự ra đời của hàng loạt nước dân chủ nhân dân ở châu Âu, sự phát triển của phong trào đấu tranh đòi độc lập dân tộc ở các nước thuộc địa, phụ thuộc châu Á, Trung Cận Đông và Châu Phi và sự lớn mạnh của các phong trào đấu tranh vì dân sinh, dân chủ và hòa bình trên thế giới. Đồng thời, lúc này, khắp thế giới, nhất là ở châu Âu, dấy lên phong trào rộng lớn bảo vệ hòa bình thế giới với nhiều hình thức đấu tranh phong phú; mà mũi nhọn của phong trào chĩa vào đế quốc Mỹ và các thế lực hiếu chiến phá hoại hòa bình.
 Liên Xô thực hiện thắng lợi kế hoạch năm năm 1946 – 1950, khắc phục được hậu quả chiến tranh nặng nề; đồng thời, thử thành công bom nguyên tử năm 1949, phá vỡ thế độc quyền hạt nhân của Mỹ. Các nước dân chủ nhân dân ở Đông Âu được sự giúp đỡ của Liên Xô đã vượt qua giai đoạn khó khăn về kinh tế, chính trị, xã hội và chuyển dần lên xây dựng chủ nghĩa xã hội; đến năm 1949 thì cùng nhau thành lập nên Hội đồng tương trợ và hợp tác kinh tế (COMECON). Tháng 02/1950, Liên Xô và Trung Quốc ký với nhau Hiệp ước đồng minh tương trợ hữu nghị. Từ đây, hệ thống XHCN thế giới mở rộng từ châu Âu sang châu Á, gồm trên 800 triệu người.
 Tất cả những yếu tố này làm cho cán cân lực lượng nghiên hẳn về phía các lực lượng cách mạng và hòa bình.
 Trong khi đó, tình hình chính trị nước Pháp tiếp tục gặp những khủng hoảng về chính trị: từ tháng 12/1946 đến tháng 10/1949, sáu lần thay đổi nội các. Thêm vào đó, tình hình kinh tế Pháp cũng không ổn định, Pháp phải chi 33% ngân sách cho chiến tranh; hơn nữa, sau khi tham gia vào kế hoạch Marshall của Mỹ, Pháp lại càng lao sâu vào chiến tranh ở Đông Dương nhằm ngăn chặn phong trào đấu tranh đòi độc lập ở Đông Dương sẽ tiến tới dập tắt các phong trào đấu tranh giành độc lập đang phát triển tại các thuộc địa khác của Pháp như Xyri, Libang, Angieri, Madagatxca... Chính vì thế, Pháp ngày càng trở nên chịu nhiều sức ép từ phía Hoa Kỳ về chính sách đối với Đông Dương. Trong giai đoạn này, bộ máy chiến tranh của Pháp ở Đông Dương cũng bị xáo trộn lớn: thay ba cao ủy và ba tổng chỉ huy quân đội viễn chinh.
 Bản thân Mỹ lúc này đã trở thành tên sen đầm quốc tế và bắt đầu thực hiện chiến lược “trả đũa ồ ạt”, “đẩy lùi chủ nghĩa cộng sản”. Từ sự kiện chí nguyện quân Trung Quốc viện Triều kháng Mỹ để chống lại những đe dọa từ Mỹ khi Mỹ đưa quân can thiệp vào cuộc chiến Tranh Triều Tiên bùng nổ 06/1950 và đánh đến biên giới Trung Quốc; Mỹ xác định ba vấn đề Triều Tiên, Đài Loan và Đông Dương liên quan mật thiết với nhau, tác động đến an ninh của Mỹ ở vùng Đông Á – Tây Thái Bình Dương. Mỹ xem Trung Quốc là nguồn gốc chủ yếu của mối đe dọa cộng sản ở Đông Nam Á. Và dựa trên quan niệm về tác động của Trung Quốc, Mỹ đã xây dựng chủ thuyết con bài đôminô. Lúc này đây, Trung Quốc, Việt Nam dường như đang đứng trên cùng một chiến tuyến, chống lại những đe dọa từ Mỹ.
 Nhận thức được những thời cơ và thuận mới đang xuất hiện trong tình hình thế giới và khu vực, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương đẩy mạnh hoạt động đối ngoại; trước hết là với Trung Quốc và Liên Xô, các nước XHCN khác, tranh thủ sự đồng tình, chi viện quốc tế, góp phần thúc đẩy cuộc kháng chiến của dân tộc ta đến thắng lợi.
 Tình hình Trung Quốc liên quan mật thiết đến Việt Nam. Với tầm nhìn xa, sớm nắm bắt thời cuộc, từ ngày 12/12/1947, Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã có nhận định: “gần đây, những thắng lợi của Quân giải phóng Tàu, và phong trào địa phương khởi nghĩa lan đến Hoa Nam là những điều kiện rất lợi cho ta” . Ngày 15/01/1950, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công nhận Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ngày 18/01/1950, Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa công nhận Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 30/01/1950, Chính phủ Liên Xô công nhận Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
II. Nhận định của lãnh đạo Việt Nam
 Sự kiện trọng đại này tạo nên bước ngoặt trong cuộc kháng chiến của dân tộc, bước chuyển ngoại giao đó tạo nên vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế, đưa Việt Nam vào vị trí quan trọng nhất định trong phòng tuyến chống đế quốc. Nhân dân ta sẽ không còn chiến đấu trong vòng vây nữa; đồng thời, cuộc kháng chiến của nhân dân ta sẽ nhận được sự giúp đỡ và ủng hộ của đông đảo bạn bè thế giới, đặc biệt là Liên Xô và Trung Quốc. Nghị quyết của Ban Thường vụ Trung Ương Đảng ngày 04/02/1950, đánh giá: “Việc Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân sốt sắng thừa nhận và đặt quan hệ bang giao với Việt Nam… chứng tỏ phe dân chủ thế giới do Liên Xô lãnh đạo quyết tâm giúp đỡ Việt Nam, đặt Việt Nam một cách công khai và chính thức trong hàng ngũ các nước dân chủ thế giới…” .
 Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng cũng kịp thời uốn nắn, khắc phục tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào ngoại viện, đòi hỏi tăng cường phát huy tính chủ động, tự lực cánh sinh là chính. Người nhắc nhở: “Tổng phản công của ta sẽ là một giai đoạn lâu dài. Rồi đây, có sự chi viện của Liên Xô và Trung Quốc về vật chất, vũ khí, trang bị, ta sẽ đỡ khó khăn hơn, nhưng giành được thắng lợi phải do sự nỗ lực của chính bản thân ta quyết định” . Hội nghị Trung ương tháng 03/1951 một lần nữa xác định cuộc đấu tranh của nhân dân ta là cuộc đấu tranh trường kỳ, gian khổ và tự lực cánh sinh là chính.
 Đồng thời, Đảng ta cũng xác định, trong bối cảnh chiến tranh lạnh, Việt Nam sẽ là nơi tập trung mâu thuẫn thời đại, nơi đối đầu của hai phe XHCN và đế quốc, bởi vì Việt Nam sẽ không chỉ có một mối quan hệ tăng cường với các lực lượng dân chủ trên thế giới mà sẽ phải chịu sức ép và sự tấn công tăng cường từ đế quốc (Việt Nam tự đặt mình vào hàng ngũ các nước XHCN tức là chính thức đối đầu với đế quốc), đặc biệt là Mỹ vì thời điểm này Mỹ đã bước đầu can thiệp trực tiếp vào cuộc chiến tranh Đông Dương. Hơn nữa, Hội nghị ngoại trưởng 3 nước: Mỹ, Anh, Pháp họp tại Paris ngày 09-09-1949 đã đi đến nhận định thống nhất về mối quan hệ giữa cuộc kháng chiến của Việt Nam với các “quốc gia cộng sản”. Do đó, việc thiết lập quan hệ ngoại giao của ta sẽ làm cho Mỹ thêm quyết tâm “ngăn chặn sự bành trướng của Cộng sản ở Đông Dương”.
III. Liệu những bước đi có theo dự đoán?
 1. Dự đoán trở thành hiện thực
 Thắng lợi ngoại giao mùa xuân 1950 là thành quả của tầm nhìn thời cuộc nhạy bén, xa rộng của Hồ Chí Minh. Nắm đúng thời điểm quyết định, Người đi nước cờ quyết định, và đã đưa lại thành công.

 Về những tác động tích cực
 Đột phá ngoại giao mùa xuân năm 1950 quả thực là một bước ngoặc lớn trong lịch sử đấu tranh lâu dài của dân tộc. Sau Trung Quốc và Liên Xô, trong năm 1950, các nước dân chủ nhân dân lần lược công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trước hết, nhờ vào thắng lợi ngoại giao mùa xuân năm 1950, vòng vây của bè cánh địch dứt tung, từ chỗ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ ngày thành lập đến nay chưa được nước nào công nhận đến việc một lúc có hơn 10 nước trong đó có hai nước lớn, nước rộng nhất và nước đông dân nhất thế giới công nhận ta. Việt Nam trở thành một thành viên đứng đầu, thành tiền đồn ở tuyến phía Đông Nam Á của một liên minh chiến đấu hùng hậu gần một ngàn triệu người. Sự tương trợ giữa các nước bạn với ta không còn đóng khung trong phạm vi là sự viện trợ tinh thần đơn thuần. Đó là một cổ vũ mạnh đối với toàn thể nhân dân và quân đội Việt Nam đang kiên cường chống Pháp trong những điều kiện rất gian khổ. Thắng lợi ngoại giao đầu năm cùng với thắng lợi Biên giới sau đó đã đưa cuộc kháng chiến bước sang thời kỳ mới, thời kỳ Việt Nam chiến đấu có hậu phương quốc tế, có chi viện, có giao thương quốc tế thuận lợi hơn trước nhiều.
1.1.1 Củng cố khối XHCN thống nhất trên toàn thế giới,viện trợ về cả vật chất và tinh thần giúp nhân dân Việt Nam giành độc lập
  Ngay từ Hội nghị “cục thông tin quốc tế” 1947 và 1949 các Đảng châu Âu bày tỏ sự ủng hộ với cuộc kháng chiến của Việt Nam, coi cuộc kháng chiến của ta là bộ phận cách mạng dân tộc dân chủ do đảng macxit lãnh đạo
 Sau khi Liên Xô và Trung Quốc công nhận Việt Nam DCCH, nhiều đảng cộng sản, công nhân châu Âu và châu Á cũng đã đồng tình ủng hộ cuộc kháng chiến này.
- Từ giữa năm 1950 Trung Quốc đã phối hợp với quân giải phóng Việt Nam tiêu diệt một vài căn cứ điểm còn lại và truy quét lực lượng của Tưởng ở khu vực biên giới hai nước.
- Cùng với việc lập hội hữu nghị Việt - Trung, Việt Nam đã sớm thiết lập sứ quán, cử đại sứ sang Bắc Kinh (04/1951) lập hai cơ quan tổng lãnh sự ở Hoa Nam và tiếp nhận Đại sứ Trung Quốc ở Việt Nam.Hai bên đã cử đoàn đàm phán về việc Trung Quốc giúp Việt Nam vật tư khí tài và kí hiệp định mậu dịch giữa hai bên. Trung Quốc nhận đào tạo giúp Việt Nam một số cán bộ. Việt Nam cử nhiều đoàn sang học tập kinh nghiệm về một số mặt của Trung Quốc.
- Báo chí và dư luận các nước ngày càng quan tâm ủng hộ mạnh mẽ cuộc kháng chiến của ta, tố cáo sự xâm lược và gây chiến của các đế quốc Pháp, Mỹ với công cụ là bè lũ bù nhìn.
- Đại sứ quán Việt Nam đi vào hoạt động tháng 2/1952 tại Matxcova. Liên xô chủ động trong tuyên truyền, vận động quốc tế, đề cao cuộc kháng chiến của ta, phê phán, kiềm chế âm mưu câu kết của Mĩ, Pháp trong việc tăng cường và mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
- Tháng 9/1952 Liên Xô đã phủ quyết đề nghị của chính quyền Bảo Đại xin gia nhập Liên Hiệp Quốc đồng thời gợi ý và nhiệt thành ủng hộ Việt Nam DCCH tham gia tổ chức này. Lập trường của Liên Xô coi Việt Nam DCCH đại diện cho ý chí của toàn thể dân tộc Việt Nam.
- Tháng 10/1952 Hồ Chí Minh đến Matxcơva tham dự Đại hội lần thứ 19 Đảng Cộng Sản Liên Xô
- Từ 1950 rất nhiều các hoạt động bảo vệ hoà bình thế giới được tổ chức và có sự tham gia của đại diện Việt Nam DCCH: Đại hội hoà bình thế giới lần thứ 2 tại Vacsava(11/1950), hội nghị Hội đồng hoà bình thế giới lần thứ 2 ở Viên (11/1951), Hội nghị Châu á Thái Bình Dương vì hoà bình ở Bắc Kinh (10/1952)  
1.1.2 Nhiệt tình ủng hộ phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam của nhân dân tiến bộ Pháp
 Tháng 7/1950, Việt Nam DCCH mời Leo Figuerre uỷ viên Trung Ương Đảng Cộng Sản Pháp, Tổng thư kí tổ chức thanh niên cộng sản, đại biểu quốc hội Pháp đồng thời là phó chủ tịch đoàn thanh niên dân chủ thế giới đến thăm và bày tỏ tình đoàn kết với cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Trong dịp tiếp ngày 20/7/1950 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhờ chuyển lời biết ơn của nhân dân Việt nam đến nhân dân và các tầng lớp xã hội Pháp đã ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam. 
1.2 Về những tác động tiêu cực
 Mĩ Anh pháp phản ứng rất gay gắt trước sự kiện Liên Xô và Trung Quốc công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với ta:
- Ngay sau khi Liên Xô tuyên bố công nhận Việt Nam DCCH, Bộ ngoai giao Pháp ngày 31/1/1950 đã gửi kháng nghị phê phán Liên Xô.
- Ngoại trưởng Mĩ tuyên bố ngày 1/2/1950 “Việc Kremlin công nhận phong trào cộng sản của ông Hồ Chí Minh ở Đông Dương làm cho mọi người ngạc nhiên. Việc Liên Xô thừa nhận phong trào này sẽ xoá bỏ mọi ảo tưởng về tính chất quốc gia của những mục tiêu Hồ Chí Minh và phơi bày thực tế Hồ Chí Minh là kẻ thù một sống một chết của nền độc lập của nhân dân Đông Dương.”
1.2.1 Nhanh chóng thiết lập chính phủ bù nhìn tại Việt Nam để đối trọng với chính phủ Việt Nam DCCH và gây sức ép buộc các nước phải công nhận chính phủ này
- Với sự thúc giục của Mĩ, ngày 29/1/1950 Quốc Hội Pháp thông qua Hiệp nghị Bảo Đại Ôrêon. 
- Tiếp đó ngày 2/2/1950 Truman tuyên bố tán thành Mỹ và các đồng minh công nhận chính quyền Bảo Đại. Ngày 7/2/1950 Mỹ, Anh công nhận Bảo Đại và thúc ép một số nước phương tây thân Mỹ như Ý, Bỉ, Ba Lan, các nước trong khối liên hiệp Anh…và toà thánh Vaticăng cùng 1 số nước phụ thuộc Mĩ ở Tây bán cầu công nhận Bảo Đại.
- Tháng 2/1950, Mỹ cử đặc phái viên tổng thống sang và vận động thêm các nước công nhận Bảo Đại và các chính phủ liên kết ở Lào và Campuchia.
1.2.2 Mỹ thúc đẩy việc trực tiếp can thiệp vào Đông Dương
 Ngày 16/2/1950, Ngoại trưởng Mỹ công bố chính sách “ngoại giao tổng lực” nhằm tạo thế mạnh để đối phó với Liên Xô và sự đe doạ của các thế lực cộng sản. Báo cáo của Hội Đồng an ninh Mĩ nhấn manh “điều quan trọng đối với lợi ích an ninh của Mĩ là phải thi hành mọi biện pháp thiết thực để ngăn chặn không cho cộng sản bành trướng thêm ở Đông Nam Á. Đông Dương là khu vực then chốt ở Đông Nam Á đang bị đe doạ trực tiếp.
- Chủ trương của Mỹ là lợi dụng khó khăn của Pháp để can thiẹp sâu hơn vào chiến tranh, chuẩn bị địa bàn để triển khai chiến lược “trả đũa ồ ạt”của đế quốc Mĩ ở Đông Nam Á.
- Mỹ đã ép Pháp kí tại Washington ngày 23/2/1950 Hiệp nghị phòng thủ tương hỗ 5 bên (3 nước Đông Dương, Mỹ và Pháp) trao quyền cho Mỹ trực tiếp điều hành viện trợ cho các chính phủ liên kết ở Đông Dương làm cho cuộc chiến tranh ở đây và sự tồn tại của chình quyền Pháp phụ thuộc vào Mỹ nhiều hơn. 
- Sau khi lập sứ quán ở Sài Gòn, Mĩ đã thiết lập cơ quan kiểm tra phân phối viện trợ ở Việt Nam, Đông Dương.
  - Tháng 5/1950, thông qua Philippin, Mỹ triệu tập cuộc họp một số nước châu Á bàn về chủ trương của Mỹ lập khối liên minh chống cộng ở khu vực.
Sau khi cuộc chiến tranh Triều Tiên bùng nổ (25/6/1950) M, Anh, Pháp gây sức ép buộc các nước châu Á, châu Phi đi theo chính sách chiến tranh lạnh, chống lại sự phát triển cách mạng và phong trào độc lập hoà bình ở hai khu vực này.
1.2.3 Bắt đầu kế hoạch thiết lập các khối quân sự nhằm đối phó với chủ nghĩa cộng sản ở Châu Á và trên thế giới
Ngày 5/9/1951, Hoà ước riêng rẽ với Nhật được kí tại Washington, cùng lúc liên minh quân sự ANZUS ra đời làm cho sự đối đầu 2 phe càng tăng lên ở Châu Á Thái Bình Dương.
Ngày 8/8/1954, 8 nước Mĩ, Anh, Pháp, Ôxtrâylia, Niu Dilen, Philippin, Thái Lan, và Pakixtan đã kí kết tại Manila (thủ đô Philippin) cái gọi là “Hiệp ước phòng thủ tập thể Đông Nam Á” và thành lập “Tổ chức hiệp ước phòng thủ tập thể Đông Nam Á” (SEATO). SEATO là một liên minh chính trị - quân sự do đế quốc Mỹ cầm đầu, được lập ra sau thất bại của thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược ba nước Đông Dương năm 1954, nhằm chống lại phong trào giải phóng dân tộc đang ngày càng dâng cao ở Đông Nam Á, đặc biệt là chống lại ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội đang ngày càng lan rộng ở khu vực này.
2. Những điều lệch khỏi quỹ đạo
2.1 Vô hình chung khu biệt hóa quan hệ đối ngoại của ta
 Mặc dù đã dự tính được việc gia nhập vào khối xã hội chủ nghĩa ta sẽ phải chịu sức ép và sự tấn công tăng cường từ đế quốc; tuy nhiên, có một điều mà dường như các nhà lãnh đạo Việt Nam chưa lường được, đó là: vô hình chung đã cô lập Việt Nam DCCH trong quan hệ với các nước ít nhiều phụ thuộc vào các nước thuộc phe đế quốc , khiến ta khó tranh thủ sự ủng hộ hoặc giúp đỡ từ các nước này. Dù uy tín của chính phủ Việt Nam DCCH lên rất cao, thì với sức ép của các thế lực đế quốc phản động đứng đầu là Mỹ, đặc biệt khi nỗi sợ Mỹ đang bao trùm cả thế giới, thì quá trình công nhận trên thực tế Việt Nam DCCH cũng bị chững lại. Trên thực tế, ở nhiều nước châu Á, giới cầm quyền lo ngại cuộc chiến tranh Đông Dương trở thành cuộc đụng đầu nóng giữa hai phe, làm cho châu Á thêm mất ổn định, thế lực đế quốc và phản động sẽ can thiệp sâu hơn vào nội tình các nước trong khu vực, bất lợi cho thế lực cầm quyền. Vì vậy, mặc dù đồng tình với cuộc kháng chiến chống thực dân của nhân dân các nước Đông Dương, song nhiều nước đã phải tỏ ra trung lập trong vấn đề Đông Dương (Ấn Độ) để tránh việc phải tham gia vào các hoạt động quân sự của các nước phương Tây, đưa họ vào thế đối đầu trực tiếp với Trung Quốc. Một ví dụ điển hình là việc Thủ tướng Ấn Độ tuyên bố lập trường trung lập của mình vào ngày 24/5/1950 để tránh căng thẳng với Pháp vì vẫn chưa giải quyết ổn thỏa vấn đề trao trả chủ quyền cho bộ phận lãnh thổ Ấn Độ.
 Hơn nữa, tuyên bố “nhập hẳn vào khối 800 triệu nhân dân chống Đế quốc” rõ ràng là có tác động tích cực đến QHQT của Việt Nam với các nước XHCN; tuy nhiên, chính điều này cũng biến cuộc kháng chiến của ta không còn đơn thuần đánh đuổi thực dân, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, mà đã trở thành một bộ phận của cuộc chiến tranh lạnh. Vô tình, chúng ta đặt mình vào thế chống lại tất cả các nước thuộc hệ thống tư bản chủ nghĩa, đặc biệt là các nước thân Mỹ; ta không thể tranh thủ được sự ủng hộ của họ trong một số vấn đề nữa.
2.2 Cú sốc Geneva
 Mặc dù, lãnh đạo Việt Nam đã xác định cuộc chiến của nhân dân Việt Nam dựa trên sức mình, tự lực cánh sinh là chính và tránh thái độ ỷ lại; tuy nhiên, cũng phải thấy rằng chúng ta đã ít đề phòng, và rất khó đề phòng toan tính của Trung Quốc và Liên Xô giai đoạn này. Hệ quả là ta có ít nhiều phụ thuộc và quá tin tưởng vào hai nước lớn. Không thể phủ nhận được rằng sự giúp đỡ nhiều mặt của Trung Quốc, Liên Xô và các nước XHCN khác là vô cùng quý báu, góp phần không nhỏ cho sự thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, sức ép từ hai nước lớn xem mình là “người đỡ đầu” và “phải có trách nhiệm” với Cách mạng Việt Nam là một tác động tiêu cực khác mà chúng ta đã xem nhẹ. Và dường như đến khi ngồi vào bàn đàm phán Geneva và đạt được một bản Hiệp định thành công một nửa chúng ta mới thấm thía điều đó.
Sang Trung Quốc, Mao đưa Bác vào quỹ đạo của Mao. Sang tới Liên Xô, Stalin lại đưa Bác vào quỹ đạo của Stalin. Chuyến đi Trung quốc và Liên xô năm 1950 của Bác là chuyến đi gian khổ. Khi đó Stalin nói: Bây giờ cách mạng Trung quốc thành công rồi, Trung Quốc có trách nhiệm giúp đỡ các nước phương Đông, cũng như Liên xô có trách nhiệm giúp đỡ các nước châu Âu và châu Mỹ. Trung quốc cho như thế là Quốc tế cộng sản đã phân công Trung quốc phụ trách châu Á. Bám vào ý kiến ấy, sau này Trung Quốc coi như là người đỡ đầu ta. Mùa thu năm 1950, Trung Quốc phái hai phái đoàn cố vấn sang Việt Nam.Ta không hiểu thâm ý của Trung Quốc là muốn sửa ta. Việc họ muốn sửa đầu tiên là quân đội (Trung Quốc đề nghị lập chức Chính uỷ, là người phụ trách Đảng trong quân đội, và mục tiêu là nhằm vào Đồng chí Võ Nguyên Giáp). Theo Trung Quốc, không nên để một người không xuất thân từ tầng lớp công - nông làm người đúng đầu quân đội (Võ Nguyên Giáp là một trí thức). Nhưng lúc đó, có người đưa cho đoàn cố vấn một danh sách cán bộ trong quân đội xuất thân gia đình không phải là công nông định để gạt ra khỏi quân đội. Lúc đó ta tin tưởng quá nhiều vào Trung Quốc, vì các ông Trang Điền, Chu Hạ sang nói khi nào Quân giải phóng "nam hạ" thì sẽ giúp Việt Nam đánh Pháp. Năm 1950-1952, Mao Trạch Đông và Stalin gọi Bác sang phê phán gay gắt, buộc phải thay đổi đường lối, dẫn ta đến sai lầm trong cải cách ruộng đất. Sức ép từ Liên Xô và Trung Quốc thể hiện nổi bật trong Hiệp định Geneva.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã làm thay đổi căn bản tương quan so sánh lực lượng trên chiến trường, tạo ra thế có lợi cho lực lượng kháng chiến Việt Nam, cũng như Lào và Campuchia; đồng thời đặt đế quốc Pháp trước một tình thế vô cùng khó khăn; buộc Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán Hiệp định Geneva. Tuy nhiên trong ván cờ Geneva ấy, có những tính toán riêng mà Việt Nam chưa hiểu hết được; cho nên, việc ứng xử với hai đồng minh không phải là dễ dàng. Các bạn đồng minh chiến lược của ta là Liên Xô và Trung Quốc lúc bấy giờ đều theo hướng là muốn kết thúc chiến tranh và không ủng hộ Việt Nam chiến đấu lâu dài nữa. Thậm chí, Chu Ân Lai còn tuyên bố sẽ không thể ủng hộ thêm cho Việt Minh được nữa nếu cuộc chiến tiếp tục mở rộng. Đối với Liên Xô, lúc đó, họ đang quan tâm đến vân đề phòng thủ châu Âu, muốn giải quyết vấn đề này với Pháp. Muốn giải quyết nhanh vấn đề Đông Dương để Pháp biết điều hơn đối với vấn đề phòng thủ châu Âu, Liên Xô gần như phó thác cho Trung Quốc thúc đẩy tiến trình hội nghị và chỉ đóng vai trò ủng hộ, để thúc đẩy các bên, đặc biệt là thúc ép Việt Nam sớm đạt được thỏa hiệp. Về phần Trung Quốc, vì muốn đảm bảo an ninh biên giới phía nam của mình và ngăn chặn một cuộc đối đầu trực tiếp với Mỹ; đồng thời lợi dụng việc Pháp không muốn nói chuyện trên thế yếu với Việt Nam, nhân danh người đỡ đầu của Việt Nam, Trung Quốc tự cho mình cái quyền đàm phán trực tiếp với Pháp để thỏa thuận về những điểm cơ bản của một giải pháp về vấn đề Đông Dương, mở đường cho đàm phán với phương Tây. Chính vì thế, trong cuộc đàm phán trực tiếp giữa Việt Nam và Pháp, Trung Quốc giữ vai trò thúc đẩy phía Việt Nam nhân nhượng. Hơn nữa, Trung Quốc còn dùng những lời đe dọa của Mỹ để ép Việt Nam rằng nếu Trung Quốc không trực tiếp can thiệp vào Đông Dương, Mỹ sẽ tiến hành các hoạt động bằng không quân ở khu vực này, dùng vũ khí nguyên tử và nếu có lợi Mỹ sẽ đưa bộ binh Thái, Phi vào Đông Dương. Trong tình hình ta đang gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, đồng thời chịu những tổn thất nặng nề cả về người và của trong chiến tranh; hơn nữa, ta không thể một mình tiếp tục với cuộc chiến đấu và đặc biệt là phải sớm đương đầu với đế quốc Mỹ; vì vậy, Việt Nam phải chấp nhận giải pháp Geneva để lập lại hòa bình ở Đông Dương. Dưới sức ép của Trung Quốc, Việt Nam buộc phải chấp nhận các giải pháp được đưa ra, trong đó có việc lấy vĩ tuyến 17, chứ không phải theo lập trường của Việt Nam là vĩ tuyến 16, làm giới tuyến quân sự tạm thời chia cắt Việt Nam thành hai miền giới tuyến. Dù đã rất kiên định lập trường vĩ tuyến 16 nhưng đến phút chót cả bên Trung Quốc và Liên Xô đều tán thành giải pháp vĩ tuyến 17, ta ở vào thế buộc phải chấp nhận; sức ép đến không chỉ từ phía đối diện mà cả từ các đồng minh, những người dường như đã thấy được kết quả trước khi đến với hội nghị. Rõ ràng, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ta có khả năng giải phóng đất nước, nhưng chính những thỏa thuận của Trung Quốc và Pháp đã làm cho tiến trình đàm phán diễn ra không tương xứng với tương quan so sánh lực lượng, không đáp ứng đầy đủ những yêu cầu chính trị mà Việt Nam đưa ra.








KẾT THÚC VẤN ĐỀ
 Bước đột phá ngoại giao mùa xuân 1950 đã có những tác động hết sức tích cực đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Đã có sự đắn đo trong việc lựa chọn một lối đi cho cách mạng dân tộc, Đảng ta đã lựa chọn con đường tiến lại gần với hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới, thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa; nhờ đó, ta đã dứt tung được vòng vây của quân địch, chiến đấu trong sự ủng hộ của các nước anh em, bạn bè thế giới và nhận viện trợ từ hai đồng minh “khổng lồ”, Liên Xô và Trung Quốc.
Sự kiện ngoại giao năm 50 đã chuyển hóa tính chất của cuộc đấu tranh của Việt Nam, từ vai trò là cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trở thành cuộc đấu tranh giai cấp chống đế quốc vì hoà bình, độc lập dân tộc và dân chủ. Và cũng vì điều này, Việt Nam đã trở thành nơi tập trung những mâu thuẫn gay gắt nhất của thời đại và là chiến trường của cuộc đụng đầu lịch sử kéo dài 20 năm. 
 Như vậy, chủ trương thiết lập và phát triển quan hệ trong nội bộ 1 khối, giương cao ngọn cờ giai cấp - khu biệt hoá quan hệ đối ngoại - đã quốc tế hoá cuộc chiến tranh ở VN, đặt chúng ta trước những thời cơ và thách thức lớn hơn nhiều so với 1 cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc thông thường.
 Hơn nữa, chính việc ta chưa lường trước được hết toan tính của Liên Xô và Trung Quốc, ta quá tin vào những chiến hữu này; đã dẫn đến một tác động tiêu cực. Ta phải chịu nhiều sức ép từ họ và một cú sốc lớn ở Hiệp định Geneva, ta không phát huy được hết thế thắng về tương quan lực lượng từ thắng lợi chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử; và dẫn đến kết cục, toàn Đảng, toàn dân ta lại phải tiếp tục chiến đấu chống lại quân xâm lược Mỹ trong 30 năm nữa trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt. Đồng thời, chính những sức ép từ Liên Xô và Trung Quốc mà Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải chịu trong Hiệp định Geneva đã khai mào cho những sức ép lớn hơn mà Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải gánh chịu từ hai “đầu tàu” xã hội chủ nghĩa này; các thời kỳ sau đó, Trung Quốc liên tục gây sức ép để buộc ta phải chiến đấu trong cảnh “trường kỳ mai phục”, lôi kéo ta chống lại Liên Xô, và dùng vấn đề viện trợ để gây sức ép với ta… – tất cả những điều đó được nhắc đến như sự phản bội của người anh em Trung Quốc. Tuy nhiên, thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước không chỉ mang ý nghĩa lịch sử mà còn có tính thời đại sâu sắc (nó góp phần quan trọng đánh dấu bước ngoặt trong tình hình thế giới kể từ thắng lợi của Hồng quân Liên Xô chống phát xít - gọi là thời kỳ sau Việt Nam) đã minh chứng cho tính đúng đắn của bước đi ngoại giao năm 50 đó.




0 nhận xét:

Đăng nhận xét