rss
twitter
    Find out what I'm doing, Follow Me :)

Tiểu luận nhóm 1 - B33: Phân tích và so sánh những kết quả mà ngoại giao Việt Nam đạt được qua các Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954) và Hiệp định Pa-ri (1973

TÓM TẮT
Lịch sử đã chứng minh nhiều thất bại lại là cơ sở cho những thành công sau này. Nếu xem xét những kết quả mà ngoại giao Việt Nam đạt được từ Hội nghị Geneve năm 1954 đến Hiệp định Paris 1973, nhận định trên càng có cơ sở. Hai hiệp định này được kí vào thời điểm cách xa nhau nhưng lại có mối liên quan chặt chẽ với nhau trong chính sách đối ngoại giành thắng lợi từng bước của ngoại giao Việt Nam. Ở Hiệp định Geneve năm 1954, mặc dù Việt Nam giành được nhiều kết quả có phần hạn chế khi chưa đạt được mục tiêu thống nhất đất nước nhưng lại là cơ sở để đi đến thắng lợi của Hiệp định Paris 1973. Tại Hiệp định Paris kí kết năm 1973, thắng lợi của Việt Nam đã lớn hơn nhiều khi hầu hết những mục tiêu Việt Nam đặt ra đều đạt được. Quan trọng nhất là thắng lợi của Hiệp định Paris năm 1973 đã mở đường cho việc thực hiện giải phóng miền Nam, thống nhất hoàn toàn Việt Nam năm 1975. Thêm nữa, từ những bước tiến của ngoại giao Việt Nam qua Hiệp định Geneve 1954 đến Hiệp định Paris 1973, chúng ta còn rút ra được bài học lớn về xây dựng chính sách đối ngoại trên cơ sở độc lập tự chủ và đánh giá đúng tương quan lực lượng trên thế giới.





LỜI MỞ ĐẦU
Từ khi các Hiệp định Geneve năm 1954 và Hiệp định Paris năm 1973 được thực thi và để lại dấu ấn lên lịch sử đấu tranh cách mạng của Việt Nam, đã có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau và so sánh kết quả mà ngoại giao Việt Nam giành được từ hai Hiệp định này. Tuy nhiên, bài viết không nhằm mục đích chỉ so sánh thành công hay thất bại của từng hiệp định mà đặt trong mối quan hệ với nhau trong chính sách đối ngoại giành thắng lợi từng bước của ngoại giao Việt Nam. Những thành công và cả hạn chế của kết quả ở hiệp định trước đã bổ sung cho kết quả của hiệp định sau như thế nào? Chính sách đối ngoại giành thắng lợi từng bước được thể hiện như thế nào từ kết quả hai Hiệp định Geneve 1954 và Paris 1973? Việt Nam thu được bài học gì từ chính sách đối ngoại giành thắng lợi từng bước đó?
Để tìm câu trả lời cho các câu hỏi trên, đầu tiên bài viết đánh giá và so sánh kết quả mà Việt Nam có được qua Hiệp định Geneve 1954 và Hiệp định Paris 1973 để tìm ra những kết quả mà Việt Nam giành được từ Hiệp định Paris phát triển từ kết quả của Hiệp định Geneve 1954. Tiếp đó, bài viết giải thích sự phát triển này trong chính sách đối ngoại giành thắng lợi từng bước của Việt Nam.





NỘI DUNG CHÍNH
1. So sánh kết quả Việt Nam đạt được tại Hiệp định Geneve năm 1954 với Hiệp định Paris năm 1973

Điểm chung lớn nhất giữa hai hiệp định là: Mục tiêu phía Việt Nam đưa ra khá giống nhau, đó là mục tiêu về chính trị và mục tiêu về quân sự. Tuy nhiên, kết quả đạt được ở mỗi hiệp định lại khác nhau, khẳng định hiệp định Paris 1973 có bước tiến lớn so với hiệp định Geneve 1954, khẳng định sự trưởng thành qua từng giai đoạn của ngành ngoại giao Việt Nam.

Trước hết, cả hai hiệp định đều quy định về cả hai vấn đề lớn là quân sự và chính trị. Đây là thành công của ngoại giao Việt Nam khi buộc hai nước lớn không chỉ coi đây là những hiệp định về nhằm đình chiến, rút quân mà còn nhằm giải quyết những vấn đề sau khi chiến tranh kết thúc. Mặc dù những điều khoản về mặt chính trị có thể không được thực thi nghiêm túc như những điều khoản về quân sự nhưng đó là những cơ sở pháp lí quan trọng cho cuộc đấu tranh của Việt Nam, nhất là giúp Việt Nam nhận được sự ủng hộ của dư luận thế giới.

Về mặt quân sự, kết quả mà Việt Nam giành được đầu tiên ở hai hiệp định là lập lại hòa bình, ngừng bắn ngay lập tức trên toàn bộ lãnh thổ. Tuy nhiên, giá trị của hòa bình ở mỗi hiệp định lại khác nhau khá lớn. Với hiệp định Geneve 1954, hòa bình có giá trị cực kì to lớn và có thể nói là mục tiêu quan trọng nhất mà Việt Nam đạt được lúc đó. Có những ý kiến cho rằng: Tại sao sau chiến thắng Điện Biên Phủ khiến Pháp tiêu hao một lực lượng lớn quân tinh nhuệ, mất một vị trí chiến lược quan trọng và làm suy giảm nghiêm trọng tinh thần chiến đấu của quân đội Pháp, Việt Nam không tiếp tục tấn công để giành thằng lợi hoàn toàn mà không cần ngồi vào bàn đàm phán. Tuy nhiên, luồng ý kiến này đã thể hiện thái độ chủ quan, “ngủ quên trong chiến thắng”. Với tình hình thực tế lúc đó, việc ngừng bắn và có hòa bình là vấn đề hết sức cần thiết. Nguyên nhân có cả ở yếu tổ khách quan lẫn chủ quan. 

Về mặt chủ quan, nhìn lại hoàn cảnh nước ta ngay sau 9 năm kháng chiến chống Pháp, có thể nói Việt Nam đã hết sức mệt mỏi, mọi nguồn lực đều cạn kiệt. Lực lượng của quân Việt Nam và quân Pháp lại bố trí rải rác chứ không tập trung, nếu tiếp tục tấn công sẽ hết sức bất lợi vì phải dàn đều lực lượng ra các chiến trường. Nhất là khi Pháp vẫn còn chiếm những vị trí hết sức quan trọng như Hà Nội, Hải Phòng, đường số 5….

Về mặt khách quan, Việt Nam phải tính đến các khả năng về tình hình quốc tế có cho phép Việt Nam tiếp tục tấn công hay không. Mối lo ngại lớn nhất đến từ khả năng Mĩ sẽ trực tiếp nhảy vào cuộc chiến. Bên cạnh đó, Việt Nam phải tính đến khả năng nếu tiếp tục tấn công, Việt Nam sẽ không nhận được sự ủng hộ của Liên Xô và Trung Quốc như trước nữa vì lúc đó cả hai nước này đều muốn Việt Nam giải quyết chiến tranh trên bàn đám phán. Nếu điều đó xảy ra thì cuộc chiến chống Pháp của Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có thể làm xoay chuyển cục diện cuộc chiến. Như vậy, với việc Việt Nam tấn công tiếp sẽ gặp rất nhiều bất lợi thì trong hoàn cảnh đó, hòa bình có được từ Hiệp định Geneve càng có giá trị lớn hơn. Hòa bình lúc này sẽ cho Việt Nam cơ hội nghỉ ngơi, tái thiết đất nước và chuẩn bị cho khả năng Mĩ tham chiến. 

Ở hiệp định Paris 1973, hòa bình không phải là mục tiêu hàng đầu lúc đó với Việt Nam vì chắc chắn những nhà lãnh đạo Việt Nam đã tính toán được khả năng chiến tranh sẽ phải tiếp tục diễn ra để đạt được mục tiêu quan trọng cuối cùng là thống nhất đất nước. Nguyên nhân là thái độ hiếu chiến và chống cộng cản đến cùng của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa và vì Mĩ, với “kiêu ngạo nước lớn” sẽ không nhanh chóng bỏ rơi đồng minh của họ, nhất là khi đồng minh đó lại do chính họ dựng nên. Tuy nhiên, giá trị của hòa bình lúc này là ở chỗ tránh Mĩ và Việt Nam Cộng Hòa leo thang chiến tranh, khiến cho nhiều người Việt Nam hơn nữa thiệt mạng trong cuộc chiến giống như cách Mĩ cho máy bay ném bom miền Bắc Việt Nam để gây áp lực lên Việt Nam trên bàn đàm phán vào tháng 12 năm 1972. 

Thứ hai, cả hai hiệp định đều quy định về việc rút quân đội, định đường ranh giới tạm thời ở vĩ tuyến 17 nhưng giá trị mà hai hiệp định mang đến cho Việt Nam lại gần như đối lập nhau. Ở hiệp định Geneve 1954, đây là một thất bại của Việt Nam khi những điều khoản trong hiệp định không phản ánh đúng tương quan lực lượng trên chiến trường. Ban đầu, khi bước vào bàn đàm phán, quan điểm của Việt Nam là phân chia tạm thời đất nước ở vĩ tuyến 13 rồi chuyển dần đến vĩ tuyến 16 để giữ được những thành phố quan trọng là Huế và Đà Nẵng và đường 9, con đường duy nhất từ Lào ra biển. Khi phải phân chia đất nước ở vĩ tuyến 17, mặc dù nội dung hiệp định khẳng định vĩ tuyến này chỉ là đường ranh giới quân sự tạm thời chứ không phải đường biên giới chính trị hay đất đai nhưng chính đường ranh giới này đã khiến cho Việt Nam bị chia cắt một cách lâu dài và không thể thống nhất bằng con đường hòa bình. Còn quy định việc rút quân của quân đội Pháp đồng thời với việc quân đội Việt Nam phải rút quân, khiến cho Việt Nam mất đi những địa điểm chiến lược mà đã phải mất nhiều thời gian và xương máu mới có được. Điều này làm cho Việt Nam gặp rất nhiều bất lợi trong cuộc chiến tranh tiếp theo với Mĩ.

Hiệp định Paris 1973 tiếp tục sử dụng đường ranh giới đã có từ hiệp định Geneve 1954 nhưng đây lại không phải là một thất bại của Việt Nam. Bởi vì đó như là một mốc đỏ để không cho phép quân đội Việt Nam Cộng Hòa vượt qua. Ngoài ra, vĩ tuyến 17 còn để nhắc lại đó chỉ là đường ranh giới quân sự tạm thời chứ không phải là đường biên giới chính thức giữa hai quốc gia để làm cơ sở cho việc đấu tranh thống nhất đất nước. 

Bước tiến lớn nhất của hiệp định Paris là quy định về việc rút quân. Vấn đề này quan trọng ở chỗ: Mặc dù Mĩ việc Mĩ rút quân là tất yếu dư luận Mĩ và thế giới phản đối cuộc chiến của Mĩ ở Việt Nam một cách gay gắt, yêu cầu Mĩ phải rút quân; nhân dân và chính quyền Mĩ cũng đã quá mệt mỏi với cuộc chiến và muốn rút ra trong “danh dự” , nhưng thắng lợi của Việt Nam là đã giữ lại được quân đội miền Bắc ở lại miền Nam. Đây là bước ngoặt của cuộc Chiến tranh Việt Nam, là tiền đề cực kì quan trọng để giải phóng miền Nam, thống nhất hoàn toàn Việt Nam vào năm 1975. Điều này đã khiến cho tương quan lực lượng trên chiến trường thay đổi hoàn toàn. Không có sự có mặt của quân đội Mĩ, lực lượng của quân đội miền Bắc Việt Nam kết hợp với quân giải phóng Miền Nam và lực lượng du kích hùng hậu đã mạnh hơn hẳn quân đội của Việt Nam Cộng Hòa. Thực tế đã chứng minh là, chỉ hai năm sau ngày kí hiệp định Paris, quân đội của lực lượng Cộng Sản Việt Nam với vũ khí hiện đại được viện trợ từ các nước XHCN và tinh thần yêu nước, quyết tâm giải phóng miền Nam và được tổ chức tốt đã giành thắng lợi trước quân đội Việt Nam Cộng Hòa; đội quân mặc dù được trang bị vũ khí do Mĩ để lại nhưng thiếu ý chí chiến đấu và được tổ chức rất kém.  

Về mặt chính trị, những kết quả mà Việt Nam giành được ở hai hiệp định Geneve 1954 và Paris 1973 là.

Thứ nhất, ở hai hiệp định này, Mĩ và Pháp đều phải tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, thậm chí những điều này còn được ghi ở những chương đầu tiên của hai hiệp định để nhấn mạnh ý nghĩa của điều này. Mặc dù đây là những quyền cơ bản nhất của mọi quốc gia trên thế giới và đã được ghi vào Hiến chương Liên Hợp Quốc nhưng việc Việt Nam buộc hai nước lớn phải từ bỏ “ngạo mạn nước lớn” của họ, công nhận độc lập, chủ quyền một nước nhỏ như Việt Nam thì vị thế của Việt Nam trên thế giới đã được nâng cao hơn. Ngoài ra, khi các nước lớn này công nhận độc lập của Việt Nam thì cũng có nghĩa là các nước khác cũng sẽ phải công nhận độc lập của Việt Nam. Điều này có thể thấy rất rõ khi sau khi kí hiệp định Geneve 1954, rất nhiều nước đã phản đối Mĩ tấn công Việt Nam vì đã tấn công một nước độc lập, có chủ quyền.

Ở hiệp định Geneve 1954, việc Pháp chấp nhận công nhận độc lập chủ quyền của Việt Nam là một thắng lợi lớn của ngoại giao Việt Nam, nhất là khi so sánh với Hiệp định Sơ bộ 6/3/1954, khi Pháp không công nhận độc lập của Việt Nam mà chỉ coi Việt Nam là một nước tự do trong khối Liên Hiệp Pháp. Giá trị của độc lập ở hiệp định Geneve 1954 là kể từ năm 1858, khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, đây là lần đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam không có sự hiện diện của quân đội nước ngoài. Người Việt Nam có quyền tự quyết định đường lối, chính sách trên lãnh thổ của mình mà không phải tuân theo sự cai trị của một quốc gia khác. Còn hiệp định Paris 1973 ghi rõ: Hoa Kỳ tôn trọng độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam như được công nhận bởi hiệp định Geneve . Tuy nhiên, vượt lên trên thắng lợi ở hiệp định Geneve, điều này không chỉ buộc Mĩ phải rút hết quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết của người Việt Nam mà còn yếu tố quan trọng về mặt pháp lí để buộc Mĩ không được phép đưa quân quay trở lại Việt Nam, điều mà chắc chắn sẽ khiến cho cuộc chiến tranh kéo dài và phức tạp gấp nhiều lần. Thậm chí, trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Mĩ tháng 6 năm 2008, tổng thống Mĩ G.W. Bush đã phải nhắc lại quan điểm này của Mĩ . Việc đó đã đủ để nói lên ý nghĩa thắng lợi của điều Việt Nam giành được trong hoàn cảnh đó. 

Thứ hai, cả hai hiệp định đều có những điều khoản quy định về việc thống nhất Việt Nam bằng con đường hòa bình thông qua tổng tuyển cử. Hiệp định Geneve 1954 ghi rõ sau 2 năm từ ngày kí hiệp định thì Việt Nam sẽ phải được thống nhất bằng con đường tổng tuyển cử. Mặc dù khi hiệp định mới được kí kết, đây có vẻ như là một thuận lợi với Việt Nam khi không cần đổ máu thì vẫn có thể thống nhất đất nước. Tuy nhiên, trên thực tế, những kết quả hòa bình trên giấy tờ đã nhanh chóng bị bóp méo và trở nên vô hiệu lực và có thể nói đây là một thất bại với Việt Nam. Một mặt, khoảng thời gian 2 năm là đủ để một chính quyền được xây dựng hoàn chỉnh ở miền Nam, gây khó khăn cho việc thống nhất đất nước. Mặc khác, việc này đã tạo nên tâm lí chủ quan, không cần đấu tranh nhiều cũng thống nhất được đất nước. Còn ở hiệp định Paris 1973, Việt Nam đã rút kinh nghiệm từ hiệp định Geneve 1954 khi không định ra thời hạn cụ thể cho việc Tổng tuyển cử. Việc có ghi điều khoản tổng tuyển cử giúp Việt Nam có cơ sở đấu tranh cho việc thống nhất đất nước, thể hiện việc mong muốn hòa bình của nhân dân Việt Nam và qua đó tăng tính chính nghĩa cho cuộc đấu tranh của Việt Nam. Còn việc không ghi thời hạn cụ thể vừa giúp Việt Nam không bị ràng buộc vào một khoảng thời gian cố định, có thể gây tâm lí chủ quan rằng chắc chắn Hiệp định sẽ được thực hiện giống như sau hiệp định Geneve 1954.

Ngoài ra, về giải pháp chính trị, ở hiệp định Paris còn có một điểm về việc trung lập hóa miền Nam Việt Nam, điều chưa từng được nhắc đến trong hiệp định Geneve 1954. Đây là yếu tố cơ bản để Việt Nam tiếp tục đấu tranh về mặt chính trị, ngoại giao với Việt Nam Cộng Hòa. Hiệp định đã hợp thức hóa sự tồn tại của chính phủ Cách mạng miền Nam Việt Nam để thể hiện với thế giới rằng: vấn đề miền Nam Việt Nam là do người miền Nam Việt Nam tự giải quyết chứ không phải miền Bắc “đưa quân xâm lược miền Nam” như chính quyền Việt Nam Cộng Hòa từng tuyên bố. Điều này cũng đã khiến cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam Việt Nam được hợp pháp hóa chứ không phải dưới dạng “khủng bố” như cách nhìn của chính quyền Mĩ và đồng minh trước đây. Điều này đã làm tăng thêm tính chính nghĩa, giúp Việt Nam nhận được sự ủng hộ nhiều hơn từ thế giới trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

2. Chính sách đối ngoại giành thắng lợi từng bước thể hiện qua hiệp định Geneve 1954 và hiệp định Paris 1973.

Sau khi so sánh kết quả Việt Nam đạt được tại hai hiệp định, chúng ta thấy những gì mà Việt Nam giành được tại hiệp định Paris 1973 là một bước tiến lớn so với hiệp định Geneve 1954. Tuy nhiên, những kết quả có lợi như vậy không phải tự nhiên có được mà một phần lớn dựa trên việc tiếp thu và rút kinh nghiệm những kết quả đạt được từ hiệp định Geneve 1954. 

Thứ nhất, hiệp định Paris được xây dựng giống như khuôn mẫu và cách thức tiếp cận giống như những kết quả mà Việt Nam đã giành được từ hiệp định Geneve 1954. Hầu hết những điều khoản chính của hiệp định Paris đều có nội dung gần giống hoặc dựa trên những điều khoản của hiệp định Geneve 1954 (như điều khoản quy định về đường ranh giới quân sự tạm thời hay quy định về thống nhất hai miền…). 

Thứ hai, khi xây dựng hiệp định Paris, Việt Nam đã rút kinh nghiệm từ những điểm còn hạn chế của hiệp định Geneve 1954. Đó là Việt Nam đã hạn chế được tư duy chủ quan về việc có thể thống nhất đất nước dễ dàng bằng con đường hòa bình. Nếu như ở hiệp định Geneve 1954, các điều khoản như điều khoản quy định về việc rút quân, định đường ranh giới quân sự tạm thời, tổ chức tổng tuyển cử sau 2 năm… cho thấy Việt Nam đã không chuẩn bị cho khả năng cuộc chiến tranh tiếp theo sẽ diễn ra. Còn ở hiệp định Paris, Việt Nam đã chuẩn bị cho khả năng sẽ phải tiếp tục chiến đấu khi giành được kết quả là buộc quân Mĩ phải rút nhưng quân đội miền Bắc không phải rút khỏi miền Nam.

Cuối cùng, quan trọng nhất, thành công của hiệp định Paris còn đến từ việc Việt Nam đã rút được bài học lớn từ hiệp định Geneve 1954 về việc xây dựng ngoại giao độc lập tự chủ. Những hạn chế lớn từ kết quả Việt Nam có được tại hiệp định Geneve 1954 phần lớn là do Việt Nam đã không thể đàm phán một cách chủ động với đối phương mà chịu áp lực lớn từ các nước Cộng Sản đồng minh. Hội nghị Geneve năm 1954 bàn về vấn đề Đông Dương diễn ra khi tình hình thế giới có nhiều vấn đề không thuận lợi với Việt Nam. Nổi bật nhất là việc Chiến tranh lạnh đã vào giai đoạn hòa dịu, các nước lớn muốn sử dụng việc giải quyết vấn đề kết thúc chiến tranh ở Đông Dương để dàn xếp với nhau. Tuy nhiên, lúc đó Việt Nam có quan điểm về thế giới chủ yếu dựa trên ý thức hệ Cộng Sản, cho rẳng với tinh thần quốc tế vô sản thì các nước Liên Xô và Trung Quốc sẽ tiếp tục giúp đỡ Việt Nam trên bàn đàm phán. Việt Nam chưa nhận thấy rằng, bất kì một nước nào dù là tư bản hay cộng sản thì cũng đều đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Vì lợi ích quốc gia, một nước sẽ chấp nhận hi sinh lợi ích của đồng minh nếu lợi ích đó không ảnh hưởng nhiều đến lợi ích của họ. Khi đó, cả Trung Quốc và Liên Xô đều đến hội nghị Geneve 1954 với những mục tiêu phục vụ lợi ích quốc gia. Với Trung Quốc những mục tiêu chính là: khẳng định vị thế của nước lớn ở châu Á, bảo đảm an ninh bằng một giải pháp theo kiểu Triều Tiên để tạo được một vùng đệm ở Châu Á, tránh được đụng đầu trực tiếp với Mỹ , hạn chế được thắng lợi của Việt Nam. Trung Quốc đã thể hiện ý đồ muốn xung quanh biên giới là nhiều nước nhỏ mâu thuẫn với nhau - để không thể lớn mạnh, ảnh hưởng tới vị thế của Trung Quốc. Với Liên Xô,những mục tiêu chính là: Tránh làm bùng nổ chiến tranh ở Đông Dương mà có thể gây ra một cuộc chiến tranh thế giới mới, điều mà Liên Xô chưa sẵn sàng, nâng cao uy tín của Liên Xô như là quốc gia kiến tạo hòa bình thế giới. Có thể thấy, những mục tiêu của Liên Xô và Trung Quốc có nhiều điểm mâu thuẫn với mục tiêu của Việt Nam và họ đã tạo áp lực lớn lên Việt Nam để buộc Việt Nam thực hiện theo những mục tiêu của họ. Cả hai nước này đều đe dọa Việt Nam về khả năng Mĩ vào tham chiến ở Đông Dương để buộc Việt Nam phải nhanh chóng kí vào Hiệp định Geneve với những điều khoản có lợi cho họ. Thậm chí Trung Quốc còn có những cuộc đàm phán bí mật với Pháp để chia cắt Việt Nam mà không quan tâm đến ý kiến của Việt Nam. Có thể nói như như Jean Chauvel, trưởng đoàn đàm phán của Pháp tại Hội nghị Geneve năm thì: Việt Minh ở cuối của một sợi dây bị kéo bởi cả Liên Xô lẫn Trung Quốc, mỗi khi Việt Minh đi quá nhanh, Chu và Molotov luôn ở đó để đưa Việt Minh về đúng vị trí của họ.  

Rút kinh nghiệm từ hiệp định Geneve 1954, trong quá trình đàm phán hiệp định Paris 1973, Việt Nam đã chủ động đàm phán tay đôi với Mĩ chứ không qua một bên trung gian hòa giải nào khác. Nhờ không phải đàm phán qua bên thứ ba, nên Việt Nam có thể đàm phán dựa trên chính sách của mình, đầu tranh vì quyền lợi của chính mình, chứ không chịu áp lực bên ngoài. Điều này khiến cho kết quả đàm phán không bị sai lệch quá lớn so với những mục tiêu ban đầu của Việt Nam. Điều này càng có giá trị lớn hơn khi đặt trong hoàn cảnh tình hình quốc tế vào thời điểm đàm phán và kí kết hiệp định Paris. Khi đó Việt Nam đã phải phụ thuộc rất lớn vào việc viện trợ vũ khí, trang thiết bị quân sự, dân sự từ các nước XHCN mà đặc biệt là Liên Xô và Trung Quốc nên việc phụ thuộc chính sách vào hai nước này cũng là điều tất yếu. Nhất là Trung Quốc muốn hạn chế chiến thắng của Việt Nam, giữ nguyên trạng thái chia cắt đất nước với những mục đích giống như ở hội nghị Geneve 1954. Do đó, việc Việt Nam vượt lên trên những áp lực đó, đàm phán trực tiếp với Mĩ là một thắng lợi lớn của ngoại giao Việt Nam. 

Sau khi xem xét sự bổ sung từ những kết quả mà Việt Nam đạt được tại hiệp định Geneve 1954 với những kết quả mà Việt Nam đạt được tại hiệp định Paris 1973, có thể nhận xét rằng: Tuy kết quả của hiệp định Geneve 1954 chỉ có ý nghĩa thắng lợi trong phạm vi đem đến hòa bình tức thời và giải phóng một nửa đất nước nhưng lại có giá trị lớn khi là tiền đề cho việc thực hiện mục tiêu quan trọng nhất của Việt Nam – hòa bình, thống nhất đất nước từ những kết quả giành được tại hiệp định Paris 1973. Đây chính là chính sách đối ngoại giành thắng lợi từng bước của ngoại giao Việt Nam. Chính sách đối ngoại này có ý nghĩa vì thực sự phù hợp với so sánh lực lượng trên thế giới và thực lực của Việt Nam vào những thời điểm khác nhau trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mĩ. Ở hiệp định Geneve 1954, khi thực lực ngoại giao còn yếu, thậm chí còn “chưa hiểu gì về tình hình thế giới” và chịu sự chi phối mạnh mẽ của các nước lớn thì không thể yêu cầu ngoại giao phải giành thắng lợi hoàn toàn về cho Việt Nam. Ở hiệp định Paris 1973, mặc dù vẫn chịu chi phối của các nước lớn nhưng thực lực ngoại giao của Việt Nam nhưng hiểu biết của ngoại giao về tình hình thế giới đã tăng thêm rất nhiều, thậm chí ngoại giao còn giúp mở một mặt trận to lớn là sự ủng hộ của các nước với Việt Nam, điều chưa hề có ở hiệp định Geneve 1954. Do đó, ngoại giao Việt Nam đã có khả năng tiến thêm một bước dài so với hiệp định Geneve 1954 là một điều tất yếu.



KẾT LUẬN

Như vậy, có thể thấy rằng, những kết quả Việt Nam giành được tại hiệp định Geneve năm 1954 tuy còn nhiều hạn chế nhưng đã là sự bổ sung và là cơ sở quan trọng để Việt Nam đạt được thắng lợi lớn từ hiệp định Paris 1973. Đi dần từ thắng lợi trong phạm vi hẹp với thực lực ngoại giao chưa đủ mạnh và tình hình quốc tế không ủng hộ đến thắng lợi mở đường cho một thắng lợi quan trọng hơn, phát huy những thắng lợi những đạt được và sửa chữa những sai lầm mắc phải, đó chính là chính sách đối ngoại giành thắng lợi từng bước của Việt Nam. Thực tế lịch sử đã chứng minh rằng, ngoại giao Việt Nam đã trưởng thành hơn trong bom đạn, và có tiềm năng rất lớn. Từ những thắng lợi này, ngoại giao Việt Nam rút ra được những bài học hết sức quan trọng là: sử dụng tinh tế kết hợp biện pháp bạo lực và hòa bình và quan trọng nhất là xây dựng chính sách đối ngoại độc lập tự chủ trong thời bình cũng như thời chiến. Trong tình hình quốc tế vẫn chịu sự chi phối sâu sắc của nước lớn hiện nay, vấn đề xây dựng chính sách đối ngoại của riêng Việt Nam, không phụ thuộc quá nhiều vào nước lớn vẫn là bài học có tính thời sự sâu sắc. Chỉ có xây dựng chính sách đối ngoại như vậy thì Việt Nam mới có thể tự quyết định sự phát triển và đạt được những lợi ích quốc gia cao nhất.

2 nhận xét:

Unknown nói...

hay

Nặc danh nói...

hay

Đăng nhận xét