rss
twitter
    Find out what I'm doing, Follow Me :)

Tiểu luận Nhóm 1-G33: Phân tích chủ trương “Hoa-Việt thân thiện” của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong giai đoạn 1945-1946

LỜI MỞ ĐẦU

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam, kỷ nguyên của độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Song, điều đó không có nghĩa là Việt Nam lúc bấy giờ không khỏi vướng bận bởi những khó khăn, mà ngược lại nhân dân ta và chính quyền Việt Nam dân chủ cộng hòa mới chào đời đã phải đối mặt với muôn vàn mối lo, hiểm họa bởi cảnh đất nước đói nghèo, dân tình khổ cực, lại bị các thế lực bên ngoài ồ ạt tràn vào hòng bóp chết nhà nước công nông đầu tiên của chúng ta ngay từ trong trứng nước.
Đối mặt với tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” ấy, bằng một tư chất thông minh, linh hoạt Hồ Chủ tịch vận dụng một cách sáng tạo Chủ nghĩa Mác – Lênin vào giải quyết hoạch định đưa ra các chủ trương, chính sách kịp thời đúng đắn nhằm đưa nước ta thoát khỏi thế hiểm nghèo. “Hoa – Việt thân thiện” là một trong những chủ trương như thế. Đảng ta đã triển khai thực hiện các biện pháp biểu dương lực lượng, lợi dụng mâu thuẫn, tránh xung đột, và nhân nhượng có nguyên tắc để thực hiện thành công chủ trương ấy. Vậy tại sao trong vô số những biện pháp ngoại giao, các biện pháp trên lại được lựa chọn, và ý nghĩa của chúng như thế nào?
Trong khuôn khổ bài tiểu luận, đứng trên lập trường của Chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng tôi tập trung đi sâu phân tích và đánh giá việc lựa chọn phương pháp thực hiện và ý nghĩa của các biện pháp ấy trong hoạt động đối nội và đối ngoại của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Nội dung bài phân tích đánh giá chia làm 3 phần chính:
 Phần I: Bối cảnh tình hình thế giới và trong nước tác động đến việc đưa ra chủ trương “Hoa – Việt thân thiện” của Đảng và nhà nước.
 Phần II: Các công cụ, biện pháp ngoại giao trong thi hành chủ trương do Đảng và chính phủ lập ra.
 Phần III: Tác động của các biện pháp ngoại giao trong hoạt động đối nội và đối ngoại của Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Trên cơ sở phân tích kỹ lưỡng, sâu sắc ba nội dung trên, bài tiểu luận góp phần mang đến cho người đọc một lăng kính cụ thể, rõ nét về lựa chọn công cụ thi hành chủ trương “Hoa – Việt” thân thiện và ý nghĩa sâu xa của nó trong hoạt động đối nội cũng như đối ngoại của chính phủ lâm thời.
Bài phân tích đánh giá có sử dụng một số trích dẫn từ những nguồn tư liệu đáng tin cậy đã được trình bày trong nội dung chính của tiểu luận.

I. Bối cảnh lịch sử
1. Tình hình thế giới
a. Bối cảnh chung
Chiến thắng của Liên Xô và các nước trong phe đồng minh đưa chiến tranh thế giới thứ II đến hồi kết, cứu loài người khỏi thảm họa phát xít, quan hệ quốc tế mở sang một chương mới bởi sự lớn mạnh của nhà nước xã hội chủ nghĩa Xô Viết.
Hệ thống xã hội chủ nghĩa được hình thành, trật tự hai cực Yalta được thiết lập, một bên là Mỹ với giấc mơ bá chủ thế giới muốn loại bỏ dần ảnh hưởng của Liên Xô và các nước thực dân kiểu cũ. Bên kia là Liên Xô đang nỗ lực tập trung củng cố vành đai an ninh, với vai trò anh cả của hệ thống xã hội chủ nghĩa cũng ra sức xây dựng uy tín và tăng cường ảnh hưởng của mình trên vũ đài chính trị thế giới.
Bởi bị thiệt hại nặng nề về kinh tế trong đại chiến thế giới hai, các nước tư bản châu Âu ra sức bóc lột vơ vét của cải ở các nước thuộc địa nhằm khôi phục kinh tế ở chính quốc, hơn thế nữa nỗi sợ mất thuộc địa và ham muốn duy trì nền cai trị thực dân mục nát đã khiến chúng điên cuồng đàn áp các phong trào đấu tranh đòi độc lập của dân tộc thuộc địa.
Phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc phát triển mạnh mẽ đặc biệt là ở châu Á dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản.
b. Thái độ của các nước lớn đối với vấn đề Đông Dương và Việt Nam
Đối với chính quyền Tưởng Giới Thạch, Việt Nam luôn là một món hàng, một điều kiện đặc biệt để trao đổi và mặc cả với các nước lớn nhất là Pháp. Về phần mình, Mỹ ủng hộ Tưởng giành quyền lợi từ nước Pháp, bởi đơn giản Mỹ ghét chế độ thực dân cũ và muốn xóa sổ chế độ này. Tưởng vào Việt Nam với mục đích tập hợp lực lượng thân Tưởng nhằm lật đổ chính phủ lâm thời do vậy Tưởng mặc cả với Pháp muốn giành lại những đặc quyền và hiện diện trở lại Đông Dương thì phải đáp ứng những yêu cầu kinh tế và chính trị của Tưởng, con bài Việt Nam là một nước đi hay để Tưởng thực hiện âm mưu này.
Về phía Pháp, dưới sự hậu thuẫn của Anh, nước này muốn biến Đông Dương thành thuộc địa của mình để vơ vét và khắc phục tổn thất trong chiến tranh. Anh chính là kẻ mở đường cho hành động vũ lực của Pháp nhằm tái chiếm Việt Nam sau cách mạng tháng tám.
Về phía Liên Xô, động thái của Liên Xô với Đông Dương và Việt Nam không rõ ràng, không nhất quán lí do bởi sự phân chia thành quả ở hội nghị Potxdam đã thỏa mãn những yêu cầu trước mắt của Liên Xô, mặt khác Liên Xô còn phải tập trung vào việc củng cố khôi phục kinh tế củng cố quốc phòng, giữ vững mối quan hệ và ảnh hưởng của mình đã tạo dựng được với các nước Đông Âu nhằm tạo vành đai an ninh lâu dài cho Liên Xô.
2. Tình hình trong nước: 
a. Những thuận lợi cơ bản của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa
Cách mạng tháng tám thành công khát vọng độc lập tự do cháy bỏng của bao thế hệ người Việt Nam đã trở thành hiện thực. Đây là nguồn động viên tinh thần lớn lao, đoàn kết nhân dân ta xây dựng cuộc sống mới.
 Dưới sự lãnh đạo của Đảng hệ thống chính quyền cách mạng đã được thiết lập từ trung ương đến địa phương. Nhân dân các dân tộc Việt Nam có quyền bình đẳng, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, tự đứng ra điều hành mọi hoạt động của đất nước thực hiện chính sách dân chủ tiến bộ, thực hiện tổng tuyển cử, hợp hiến chính quyền do dân làm chủ.
Lãnh đạo thành công cuộc cách mạng và thành lập nhà nên nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Đảng cộng sản Việt Nam đứng đầu là chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò là bánh lái con thuyền chính trị của nước Việt mới. 
b. Những khó khăn cơ bản của Việt Nam
Miền Bắc phải đối đầu với kế hoạch “Hoa quân nhập Việt” của Tưởng với dã tâm chống phá Việt Nam và thành lập chính quyền tay sai chống cộng ngay trên đất nước ta. Ban đầu khi kéo quân sang nước ta Tưởng không thừa nhận chính phủ lâm thời của ta, chúng liên tục gây sức ép với chính phủ ta cùng với những yêu sách ngang ngược và đe dọa dùng vũ lực nếu ta không chịu đáp ứng.
 Miền Bắc đã vậy, trong khi đó ở miền Nam quân Anh dưới sự chỉ huy của tướng Graxay đã có những hành động phá hoại trắng trợn và tích cực cho quân Pháp tái lập quyền thống trị của chúng.
 Không những thế, chúng ta còn phải đối mặt với hàng loạt những khó khăn về kinh tế xã hội “giặc đói, giặc dốt” hoành hành, ngân khố quốc gia trống rỗng.
Có thể nói nước ta đang nằm trên bờ vực thẳm, trong tình thế mà các nhà chính trị gia và các nhà sử học vẫn quen gọi là “ngàn cân treo sợi tóc”. Cách mạng có thắng lợi được hay không, lúc này là hoàn toàn phụ thuộc vào sự thông minh sáng tạo vận dụng linh hoạt các biện pháp đối nội, đối ngoại của Đảng và nhà nước Việt Nam non trẻ mới chào đời.
II. Công cụ thực hiện chủ trương “Hoa – Việt thân thiện”

Trước những muôn vàn khó khăn như thế, chủ trương “Hoa – Việt thân thiện” được Đảng ta đưa ra nhằm tránh bi kịch phải đối mặt cùng một lúc với nhiều kẻ thù. Bằng sự nhảy cảm chính trị, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định đúng đắn kẻ thù chính của cách mạng Việt Nam lúc này là thực dân Pháp, việc hòa hoãn với Tưởng được thực hiện nhằm dốc sức tập trung nội lực đánh đuổi lũ thực dân. 
“Hoa – Việt thân thiện” cũng là một trong những chủ trương được Đảng và chính phủ lâm thời Việt Nam đưa ra nhằm đạt đến mục tiêu cao cả mà Chỉ thị kháng chiến cứu nước đề ra, đó là giải phóng dân tộc nhằm “giành độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc, độc lập về chính trị, thực hiện chế độ dân chủ cộng hòa cải thiện đời sống dân sinh”. Dựa trên cơ sở nền tảng “Dân tộc là trên hết”, “Tổ quốc là trên hết”, Đảng triển khai các biện pháp ngoại giao khéo léo, tài tình nhằm giữ hòa hoãn với Tưởng.
1. Biện pháp “biểu dương lực lượng”
Biện pháp đầu tiên mà chủ tịch Hồ chí Minh và chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa thực hiện là tổ chức biểu dương lực lượng bao gồm 30 vạn nhân dân thủ đô Hà Nội trong buổi chào đón Hà ứng Khâm, Tổng tư lệnh quân đội Tưởng và phái bộ đồng minh đến Hà Nội ngày 2/10/1945. Hành động này nhằm mục đích gì và có tác dụng như thế nào đối với nước ta trong bối cảnh vô cùng phức tạp và khó khăn ấy?
Việc biểu dương lực lượng là cần thiết và có ý nghĩa vô cùng quan trọng khi nước ta đang ở trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” bởi: Thứ nhất nó biểu thị ý chí và sức mạnh của nhân dân ta đoàn kết xung quanh chính phủ Hồ Chí Minh, điều này chứng tỏ rằng chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đã và đang được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân. Đó là điều không dễ gì có được cũng như không dễ gì thay đổi. Thứ hai hành động đó đồng thời thể hiện thiện chí, sự hoan nghênh và mong muốn hoà với quân Tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trong bối cảnh đất nước tiêu điều, gian truân về mọi mặt, đặc biệt là quân sự và kinh tế thì việc biểu dương lực lượng lúc này là nhằm che lấp bớt đi những khó khăn trước mắt.
Biểu dương lực lượng là một hành động ngoại giao hết sức khéo léo và tinh tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính phủ lâm thời ta. Âm mưu và mục đích của quân Tưởng là lật đổ chính phủ Hồ Chí Minh và Việt Minh tổ chức ra để đặt một chính phủ bù nhìn lên thay. Nhưng khi sang VN, thấy các phố, các thôn xã đâu đâu cũng có cờ đỏ sao vàng, thấy rõ nhân dân ta đoàn kết một lòng ủng hộ chính phủ Hồ chí Minh, Tưởng nhận ra rằng việc đánh đổ chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa thay bằng chính phủ bù nhìn do chúng lập nên là không thể thực hiện được ngay mà cần phải có thời gian.
Một điều quan trọng hơn hết lúc này là chúng ta không thể và cũng không đủ khả năng đấu tranh vũ trang trực tiếp với Tưởng, vì vậy hành động biểu dương lực lượng thể hiện sự tán dương quân Tưởng có mặt tại Việt Nam là một hành động hết sức thông minh, tinh tế và nhạy cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc đánh giá tình hình hiện thời cũng như thực lực của Việt Nam dân chủ cộng hòa lúc bấy giờ. Qua hành động này ta thấy được tính nhu nhưng vô cùng tinh tế và hiệu quả trong ngoại giao Hồ Chí Minh nói riêng và ngoại giao Việt Nam nói chung. Điều này khiến chúng ta liên tưởng đến ngoại giao thời phong kiến của cha ông ta, khi phải kháng chiến chống quân Nguyên – Mông, một đội quân được mệnh danh là bất khả chiến bại, Trần Nhân Tông đều áp dụng nghệ thuật lui binh, chờ cho giặc mệt mỏi rồi ta mới phản công và giành chiến thắng. Điều đó chứng tỏ rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa một cách sáng tạo truyền thống ngoại giao tốt đẹp của tổ tiên ta, biết rõ khi nào cần phải nhu và khi nào cần phải cương.
Như vậy, với việc biểu dương lực lượng để hoan nghênh chào đón quân Tưởng chúng ta đã vô hình làm thất bại tạm thời âm mưu “diệt cộng cầm Hồ” của Tưởng, buộc chúng phải thay đổi chính sách đối với nước ta.
2. Biện pháp lợi dụng mâu thuẫn, tránh xung đột
Là một nhà ngoại giao bạn sẽ làm gì khi tổ quốc vừa mời giành độc lập đã gặp muôn vàn khó khăn về kinh tế, chính trị, lại phải đối mặt với tình thế bị nhiều kẻ thù bao vây xâu xé cùng một lúc? Quả thật đây là một nhiệm vụ không chút dễ dàng, vậy hãy xem nhà lãnh đạo thiên tài Hồ Chí Minh xử trí như thế nào nhé! 
Người đã từng nói “Một bó đũa ta bẻ thì rất khó, nhưng một chiếc đũa ta bẻ thì rất dễ” cái tài tình của Hồ Chí Minh là ở sự khéo léo lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù để rồi làm suy yếu chúng, làm sức mạnh tổng hợp của chúng yếu đi. Thêm vào đó người thiết lập lên môi trường hợp tác hòa bình giữa ta và địch bằng các biện pháp ngoại giao nhằm tránh xung đột. Đâu là cơ sở lý luận của vấn đề này? Hồ Chí Minh đã thực hiện nó như thế nào?
Theo chủ nghĩa Mác – Lênin thì mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù tồn tại khách quan, người làm cách mạng phải biết lợi dụng các mâu thuẫn đó hết sức tỉ mỉ, dù là dạn nứt nhỏ bé nhất để làm suy yếu hàng ngũ chúng, tăng cường bạn đồng minh cho cách mạng dù là bấp bênh. Khi lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù, thường phải đi với thỏa hiệp nhân nhượng, người cách mạng phải biết nhân nhượng, song nhân nhượng phải có nguyên tắc. Lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù là nguyên tắc chiến lược và có ý nghĩa lớn đối với cách mạng khi chưa giành được chính quyền cũng như khi đã giành được chính quyền. Trên cơ sở kế thừa tinh hoa ấy và dựa vào tình hình thực tế Việt Nam, Hồ chủ tịch sáng suốt vận dụng một cách linh hoạt và hiệu quả trong việc triển khai chủ trương “Hoa – Việt thân thiện”. Vậy cơ sở nào để Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn biện pháp này?
Tôn Tử từng viết “Tri kỉ tri bỉ, bách chiến bách thắng” tức nghĩa là “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”, hiểu thấu suốt thế chiến lược của câu nói ấy, Hồ Chủ tịch đã chủ động tìm hiểu ,nắm bắt tình hình nội bộ Tưởng và thấy được rằng các tướng lĩnh Tưởng vào miền Bắc nước ta thuộc các phe phái khác nhau (Vân Nam, Lưỡng Quảng, và Trung ương), lực lượng quân đội Tưởng đông tưởng như mạnh nhưng lại là một đội quân ô hợp, điều này chứng tỏ sự lỏng lẻo về tổ chức trong hàng ngũ quân giặc. Dù mục đích của bọn này đều là “Việt cộng cầm Hồ” song lợi ích của từng phe phái cũng như biện pháp chống đối cách mạng Việt Nam lại khác nhau nên ta có thể lợi dụng. Vậy chúng ta lợi dụng như thế nào?
Bác Hồ thường nhắc nhở “nội bộ nó không ổn định ta đều có thể lợi dụng” bởi hiểu kỹ và sâu sắc từng đối tượng nên Bác đã có đối sách cụ thể với từng tên.
Đối với Lư Hán – Tổng chỉ huy quân đội Tưởng ở Bắc Đông Dương thuộc tập đoàn Vân Nam của Long Vân, Bác đã triệt để khai thác mâu thuẫn giữa Lư Hán và chính quyền Trung ương thông qua vụ việc Tưởng Giới Thạch cử Lư Hán đi Việt Nam là “dùng kế điệu hổ ly sơn” để bắt Long Vân. Sau khi Lư Hán đi được vài tuần thì Tưởng giới Thạch đã lừa đánh úp bắt được Long Vân, hứa hẹn sẽ cho Lư Hán làm tỉnh trưởng Vân Nam, xong Trùng Khánh lại điều hai sư đoàn của Lư Hán về trước, và thay bằng quân của Trung ương, như vậy nội bộ quân Tưởng không đồng lòng. Lư Hán và chính quyền Trung ương có những bất đồng nhất định cho nên ngay khi tên này đến Hà Nội Bác đã nói với y về tình hình thế giới, Trung Quốc, Việt Nam và cả chủ trương Hoa – Việt thân thiện của ta. Bác nhận xét “Lư Hán không chủ trương giải tán chính phủ lâm thời nghĩa là không hỗ trợ mạnh cho Việt quốc, Việt Cách”, đồng thời người lấy việc Tưởng đánh úp Long Vân răn đe y, nhờ thế mà Lư Hán có những hành động độc lập với chính phủ trung ương.
Phép ứng xử ngoại giao khéo léo kết hợp với hiểu thấu nội bộ địch đã khẳng định vai trò quan trọng của vị lãnh thiên tài Hồ Chí Minh, không chỉ vậy người phần nào lấy được thiện cảm của Lư Hán bằng chứng là y gọi người là “Hồ Chủ tịch” lời gọi ấy không chỉ minh chứng cho sự tôn trọng của Lư Hán đối với Bác mà còn với cả bộ máy chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa. 
Đối với trung tướng Tiêu Văn, Bác nắm rõ lý lịch cũng như ý định của y khi sang Việt Nam nhìn thấu những bất đồng trong nội bộ của hắn, từ đó có những đối sách phù hợp. Với nhiệm vụ giải quyết các vấn đề chính trị của Việt Nam, tới Hà Nội thấy chính quyền ta đã thành lập y rất bực bội với sự đã rồi và tuyên bố “Hồ Chí Minh thập đại tội” ngay lập tức Bác chủ động đến thăm y, giải thích rõ tình hình hiện tại và đề nghị hợp tác với ta giải quyết mọi vấn đề trong quan hệ Hoa – Việt, việc làm này ít nhiều xoa dịu tâm lý căng thẳng và giải quyết một số hiểu lầm giữa Việt Nam dân chủ cộng hòa và Quốc dân đảng. Bằng tài trí thông minh và ngoại giao nhạy bén, qua tiếp xúc nhiều Bác dần lấy được cảm tình từ Tiêu Văn, nhờ thế phản ứng của y với chính phủ lâm thời bớt căng thẳng hơn. Hành động ngoại giao Bác mời vợ chồng Tiêu Văn ăn cơm, tặng vợ y một vài đồ trang sức quý giá, cho phép buôn vài tấn gạo và một số loại hàng hóa, tưởng chừng như đơn giản, sáo rỗng nhưng lại có ý nghĩa sâu xa bởi nhận lời “mời” của Hồ chủ tịch đại diện cao nhất của chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa là gián tiếp khẳng định vị thế cũng như tính hợp pháp của chính phủ lâm thời, hành động ấy còn thiêu cháy ý định không giao thiệp với chính phủ ta của Tiêu Văn, hơn nữa nó ghóp phần răn đe bọn tay sai của Tưởng rằng chớ có lộng hành quá đáng.
Có rất nhiều học giả đánh giá cao hành động ngoại giao này của Bác như Philip-Đờ-Vilê viết về cuộc gặp này “Hồ chủ tịch gặp Tiêu Văn ngay và được sự hòa hoãn của quân Tàu chặn cú đầu tiên của quân Tàu định lật đổ chính phủ lâm thời, điều này làm cho bọn Việt Cách hoang mang chập chừng” .
Phát hiện thấy trong hàng ngũ quân Tưởng cũng có những sỹ quan binh lính bày tỏ đồng tình với cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta, Hồ chủ tịch kịp thời ứng xử thiện chí để khuyến khích, động viên họ ngả về phe ta. Đấy là sự sáng suốt, tài tình của Hồ Chí Minh bởi sự nhận biết nhanh chóng, bóc tách những mâu thuẫn của từng đối tượng kẻ thù để tìm ra điểm thuận lợi cho cách mạng nước nhà.
Tại sao phải tránh xung đột? Bởi đơn giản mọi xích mích sẽ được giải quyết tốt hơn trong môi trường hòa bình. Trở lại với âm mưu của Tưởng khi vào nước ta, chúng muốn lật đổ chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đồng thời lập ra chính phủ thân Tưởng, nhưng do núp dưới chiêu bài đồng minh nên bọn này không dễ dàng hành động bởi thế chúng thường xuyên có những hành động khiêu khích nếu ta đáp lại thì chúng hoàn toàn có cớ đè bẹp chính phủ ta. Nhìn thấu vấn đề trên, ta đề ra nhiệm vụ của ngoại giao là phổ biến rõ đường lối của ta cho dân hiểu để tránh xung đột, trường hợp có xung đột xảy ra phải “biến xung đột to thành xung đột nhỏ, xung đột nhỏ thành không có”. Ngay khi quân Tưởng tràn sang đất ta, chính phủ lâm thời đã cho cán bộ lên các tỉnh biên giới phía Bắc phổ biến để dân biết cách ứng phó với hành động ngang ngược của chúng. 
Tác dụng của tránh xung đột là rất lớn tạo ra môi trường hòa bình nhằm giải quyết mâu thuẫn trong mối quan hệ Việt – Hoa, đồng thời nó cũng thể hiện rõ nét chính sách của Việt Nam dân chủ cộng hòa sẵn sàng thân thiện hợp tác với Tưởng để chúng không có cớ gì phá hoại chính quyền cách mạng của ta, phần nào hạn chế được âm mưu của chúng. Nhân nhượng trên cơ sở đề cao lợi ích của quốc gia dân tộc được Đảng ta đưa ra để tối thiểu hóa các mâu thuẫn, xung đột.
3. Biện pháp nhân nhượng có nguyên tắc
Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc là một trong những đóng ghóp lớn lao làm phong phú thêm cho chủ nghĩa Mác – Lê nin. Trên cơ sở lý luận, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lê nin, và dựa vào tình hình thực tiễn những năm đầu thế kỷ XX, Hồ Chí Minh đúc kết ra rằng “ Độc lập, tự do là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của tất cả các dân tộc” . Người đã vận dụng linh hoạt sáng tạo lý luận ấy vào việc hoạch định chính sách trong suốt quá trình hoạt động chính trị của mình. Biện pháp ngoại giao “nhân nhượng có nguyên tắc” trong việc thi hành chính sách “Hoa – Việt thân thiện” là một trong những ví dụ như thế. 
Ở trong tình thế éo le, chính phủ lâm thời ta phải đối mặt với rất nhiều những đòi hỏi yêu cầu của Tưởng, nếu ta quá cứng nhắc thì việc xung đột, đấu tranh quân sự với 20 vạn quân Tưởng là điều không tránh khỏi, cộng với giặc Pháp đang lộng hành ở miền Nam thì một Việt Nam nhỏ bé mới chào đời tài chính kiệt quệ, không có viện trợ, lại bị nạn đói hoành hành, liệu có đủ sức chống chọi? Điều đó chẳng khác nào lấy trứng mà đem chọi với đá.
Ngay sau khi tràn vào nước ta Tưởng nhanh chống lập chính phủ tay sai núp dưới danh nghĩa đồng minh làm nhiệm vụ tước vũ khí quân Nhật, nguyên do nghe có vẻ chân chính, tốt đẹp nhưng một câu hỏi nhanh chóng được đặt ra trong Đảng ta rằng tại sao quân Nhật chỉ có vài vạn mà Tưởng lại đưa sang Việt Nam tới 20 vạn quân chỉ để tước vũ khí? Bằng sự tinh tế và nhạy cảm chính trị Đảng ta thấy rõ âm mưu xóa bỏ chính phủ ta của Tưởng, nên chúng ta đã chủ động triển khai biện pháp nhân nhượng có nguyên tắc để chúng không thể kiếm cớ lật đổ chính quyền Việt Nam.
Dựa trên cơ sở phân tích một cách khách quan các mặt mạnh yếu của kẻ thù, tin vào sức mạnh của cách mạng, của chính nghĩa, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sự nhân nhượng với quân Tưởng trên một số mặt. 
Về kinh tế, chính phủ ta nhận tiêu tiền “quan kim” mặc dù điều đó làm tài chính và thương mại của ta thêm nguy ngập. Đồng thời, cung cấp lương thực, thực phẩm cho quân Tưởng dù rằng đất nước vẫn bị nạn đói hoành hành.
Không những thế, Đảng ta còn chủ động mở rộng chính phủ lâm thời thành Chính phủ liên hiệp lâm thời, dành 70 ghế trong quốc hội cho một số nhân vật của Việt Quốc, Việt Cách tay sai của Tưởng tham gia chính phủ. 
Trong hoàn cảnh có nhiều đảng phái đối lập công khai dựa vào thế lực bên ngoài để chống phá chính quyền cách mạng, nhưng Đảng ta vẫn duy trì vai trò lãnh đạo chính quyền mình bằng việc lui vào hoạt động bí mật. Chấp nhận cho các đảng phái đối lập hoạt động, thậm chí tham gia chính quyền là sự nhân nhượng lớn có tính chất bắt buộc, nhưng đó chỉ là sách lược của ta với Tưởng vào thời điểm nằm trong vòng vây của bọn đế quốc thực dân, còn giữ vững sự lãnh đạo của Đảng ta là một nguyên tắc chiến lược.
Bọn Tưởng tham lam hầu như ngày nào cũng có thư gửi cho chính quyền ta, khi thì hạch sách, khi thì dọa dẫm. Bác nhiều lần phải thay đổi chỗ ở, thay đổi qui luật đi lại, chúng đòi Bác kí giấy nhận cung cấp cho chúng những lượng gạo rất lớn. Những lúc như vậy, nhiều người trong nội bộ Đảng ta rất bất bình, nhưng vị lãnh tụ tài ba của chúng ta vẫn nhẹ nhàng nhàng nhắc nhở cần phải chịu đựng nhẫn nhịn thêm, giữ hòa hoãn với Tưởng là để có thể tập trung mũi nhọn vào kẻ thù chính, và sự nhẫn nhịn ấy là hoàn toàn có lý, điều đó là ví dụ điển hình cho câu nói thân thuộc “một sự nhịn là chín sự lành”
Trong thời gian ấy, có một số ý kiến cho rằng việc nhân nhượng cho Tưởng quá nhiều như vậy phải chăng là nhu nhược. Quan điểm trên quá nông cạn và lệch lạc, bởi có thể rằng những nhân nhượng của ta với địch là mất mát lớn đối với một dân tộc đang chìm trong cảnh đói nghèo lúc bấy giờ, nhưng có đáng không nếu ta hi sinh lợi ích cao nhất của dân tộc để đổi lấy sự không mất mát ấy? Chính trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ bốn bề là giặc ấy mới thấy thấm thía câu nói bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Một dân tộc chỉ tự do khi đất nước của dân tộc ấy có độc lập chủ quyền và đó là lợi ích cao nhất của dân tộc Việt Nam, tất cả mọi thứ có thể đem ra thương lượng nhưng tự do, độc lập, chủ quyền thì không thể, dẫu rằng lúc bấy giờ chúng ta chưa giành được độc lập, chưa có chủ quyền trọn vẹn mà chỉ là đang đấu tranh để giành được nó nhưng Đảng ta mà tiêu biểu là chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương phải hi sinh đến cùng để đạt đến cái đích cao cả của dân tộc. Không chỉ trong kháng chiến mà ngay cả trong thời bình khi mà cả nước đang dốc sức xây dựng đất nước, phát triển kinh tế thì lợi ích ấy vẫn luôn được Đảng và nhà nước ta trân trọng, gìn giữ ở vị trí giống như trái tim của con người, nếu trái tim không còn nữa thì ắt hẳn chẳng có người nào sống nổi. Một câu nói rất nổi tiếng của Hồ Chủ tịch trong bản tuyên ngôn độc lập “chúng ta thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, nhượng bộ với Tưởng là một hi sinh để bảo tồn vận mệnh của đồng bào, dân tộc và đó rõ ràng là quyết định sáng suốt hợp lý của vị lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh.
III. Tác động của các biện pháp ngoại giao trong thi hành chủ trương “Hoa – Việt thân thiện” đối với hoạt động đối nội và đối ngoại của Việt Nam dân chủ cộng hòa.
1. Ý nghĩa trong đối nội
 Việc bảo vệ thành công những thắng lợi của cách mạng Tháng tám, giữ vững được chính quyền do Đảng lãnh đạo tạo nên sự ổn định tương đối về mặt chính trị ghóp sức vào thành công của cuộc tổng tuyển cử đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. 
Thành công này cũng góp phần thiết lập và kiện toàn bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương, điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc tăng cường sức mạnh chính trị, trấn an lòng dân chăm lo sản xuất.
Chủ trương mở rộng khối đoàn kết toàn dân trên cơ sở phát triển các đoàn thể cứu quốc trong mặt trận Việt Minh, tổ chức thêm những đoàn thể cứu quốc mới như Liên Việt đã góp phần tăng cường sức mạnh chính trị, củng cố chính quyền. 
Hồ Chí Minh đã sáng suốt khi thu hút những lực lượng thuộc chế độ cũ, và các tầng lớp tiến bộ yêu nước, những người mà chưa có điều kiện tham gia vào mặt trận Việt minh trước đây, cùng phấn đấu cho một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ và cường thịnh. Thành công đó là cơ sở của chính trị, xã hội lớn, đảm bảo sự vững mạnh của chính quyền nhân dân của chế độ mới trước những khó khăn, thử thách nặng nề.
Khoảng thời gian “hòa bình” ở miền Bắc với quân Tưởng tạo điều kiện để dân ta tăng gia sản xuất khắc phục những khó khăn về kinh tế do hậu quả của chiến tranh, nạn đói...để lại.
Đảng và chính phủ ta đã thành công trong công cuộc thu hút nhân dân nhân dân hăng hái lao động sản xuất, khuyến khích tư nhân đầu tư vào các nhà máy, xí nghiệp… cùng với phong trào “tiết kiệm cứu đói”, “không để một tấc đất bỏ hoang”, “ tuần lễ vàng” để quyên góp sức người sức của. Nhờ vậy không chỉ nạn đói được đẩy lùi mà còn có phần dôi ra đóng góp vào ngân khố của chính phủ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, vì vậy chúng ta không chỉ tận dụng thời gian để diệt giặc đói mà còn diệt cả giặc dốt nữa. Đảng ta đã tích cực triển khai phong trào “ bình dân học vụ”, xóa bỏ hủ tục lạc hậu và tệ nạn xã hội của chế độ cũ để lại và từng bước xây dựng đời sống văn hóa mới, tạo dựng lòng tin vững chắc nơi nhân dân, Đảng và chính quyền.
Như vậy, trong thời gian này chúng ta không chỉ củng cố sức mạnh về chính trị mà còn cả về kinh tế, nâng cao văn hóa. Chính là nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mà đứng đầu là chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự lực gây dựng nên những thành công ấy, chứ không hề có bất kỳ sự giúp đỡ, viện trợ nào từ bên ngoài, điều đó cho thấy dù mới ra đời song nhà nước Việt Nam lúc bấy giờ đã đầy nghị lực, cứng cỏi, sáng suốt quyết đoán trong từng đường đi nước bước.
Chủ trương “Hoa- Việt thân thiện” tạo ra khối đoàn kết toàn dân tập trung chống thực dân Pháp xâm lược ở miền Nam. Chúng ta đã thành công trong việc kìm chân và tiêu hao sinh lực địch, làm thất bại kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp, buộc thực dân Pháp phải đàm phán với chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa. Chủ trương cũng phần nào cũng giúp ta thoát khỏi cảnh “thù trong giặc ngoài”.
Cô lập hóa sự chống phá của các Đảng phái phản động cũng là một trong những thành quả ta thu được từ chủ trương Hoa – Việt thân thiện. Sự nhân nhượng có nguyên tắc của ta đối với Tưởng đã từng bước đánh bại âm mưu “ diệt cộng cầm Hồ” của Tưởng, đuổi bọn chúng về nước, đồng thời gián tiếp đuổi bọn phản động bán nước theo chân bọn chúng, đây là thành công ta có được từ rất nhiều tổn thất, nhưng quan trọng hơn cả đổi lại ta “phá vây” thế đối đầu cùng một lúc với nhiều kẻ thù.
3. Ý nghĩa trong hoạt động đối ngoại
Chúng ta đã dần khẳng định được tư cách pháp lý của chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, cuộc tổng tuyển cử ngày 6 /11/1946 không chỉ có ý nghĩa về mặt đối nội mà nó còn bao hàm cả những yêu cầu cấp thiết về mặt đối ngoại.
Nhiều người băn khoăn rằng: đất nước có trên 90% dân số mù chữ thì làm sao có thể đi bầu cử và bỏ phiếu? Nếu chỉ để thực hiện các quyền tự do, dân chủ của nhân dân, củng cố chính quyền…thì để một thời gian sau cũng được, sao phải gấp như vậy? Tại sao Hồ Chí Minh lại trù liệu một cuộc tổng tuyển cử sớm trong điều kiện ngặt nghèo đến như vậy?
Chúng ta cần phải hiểu rằng Việt Nam dân chủ cộng hòa và chính phủ lâm thời chưa được các nước trên thế giới công nhận, điều này cho thấy vị trí của nhà nước ta trên trường quốc tế còn hạn chế. Việc tổ chức thành công cuộc tổng tuyển cử sẽ đưa lại cho nhân dân Việt Nam một chính quyền chính thức, một chính quyền thể hiện tính dân chủ, hợp pháp và vị thế của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa dần được nâng cao bởi một chính quyền tự do dân cử bao giờ cũng có thế hợp pháp vững mạnh hơn một chính quyền thành lập bằng con đường khác. 
Việc ra đời bản hiến pháp đầu tiên cho thế giới thấy nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là một nhà nước hợp pháp có đầy đủ thẩm quyền và nghĩa vụ để bảo vệ các công dân của mình, là cơ sở pháp lý khẳng định nhà nước Việt Nam có đầy đủ các công cụ như bất cứ một nhà nước nào khác trên thế giới.
Việc đón tiếp các tướng lĩnh Tưởng của chính phủ lâm thời bằng việc biểu dương lực lượng từ Bắc Giang đến Hà Nội cho chúng thấy được sức mạnh của sự đoàn kết và lòng tin vào chính quyền do Hồ Chí Minh lãnh đạo, cho chúng nhận một sự thật rằng ta mới là chủ, còn chúng chỉ là khách. Kết quả Tưởng đã phải thay đổi chính sách “diệt cộng cầm Hồ” và chuyển sang “giao thiệp” với chính quyền ta bởi bọn này hiểu rằng không thể đánh bại chính quyền ta nếu nhân dân còn chống lại chúng.
Chủ trương “Hoa-Việt thân thiện” đã tạo nên được thế hòa hoãn với quân Tưởng, ta tránh được thế phải đối đầu cùng một lúc với quân Tưởng và Pháp. Hồ Chí Minh rất thông minh khi tìm cách xoáy sâu vào những điểm yếu của quân Tưởng. Việc Đảng ta đề ra chủ trương Hoa-Việt thân thiện có những nhân nhượng nhất định chính là chủ động ngăn chặn và làm thất bại âm mưu lật đổ của quân Tưởng, tỏ rõ thiện chí của nhà nước ta là sẵn sàng hợp tác, giúp đỡ quân đồng minh trong việc giải giáp quân Nhật, không để họ kiếm cớ lật đổ chính quyền ta, cho thấy được sự nhìn nhận và sử trí cực kì tinh tế sáng suốt của Hồ Chí Minh, tránh được sự đối đầu có thể dẫn tới đổ vỡ.
Ngoài ra, Đảng và chính phủ đã nhận ra những mâu thuẫn khó khăn trong nội bộ quân Tưởng, chính quyền Tưởng tuy có Mỹ giúp sức song phải đối phó với cách mạng Trung Quốc do Đảng cộng sản lãnh đạo, cho thấy Trung Quốc lúc đó có nguy cơ xảy ra một cuộc nội chiến. Ta thấy rõ Tưởng Giới Thạch có tham vọng lớn nhưng thực lực thì có hạn, bọn Tưởng cần phải dựa vào chính quyền của ta để giải quyết những nhu cầu cấp thiết. Việc chính quyền ta mời một số tướng của Tưởng tham gia các cuộc họp quan trọng với vai trò là một quan sát viên , thể hiện rõ thiện chí hợp tác của ta.
Như vậy chủ trương “Hoa-Việt thân thiện”, một mặt đã cô lập các Đảng phái phản động, dần loại bỏ Tưởng ra khỏi miền Bắc, tháng 9/1946 quân Tưởng rút khỏi miền Bắc và theo chân chúng là bọn việt quốc việt cách, đồng thời nó giúp ta có thêm thời gian chuẩn bị lực lượng để kháng chiến chống Pháp, một cuộc chiến không thể tránh khỏi, việc gạt bỏ những âm mưu hành động chống phá của một kẻ thù lớn và xảo quyệt như Tưởng là thắng lợi lớn lao của Đảng và nhân dân ta, thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng và nhân sinh quan sáng Hồ Chí Minh.
3. Mối liên hệ giữa chính sách đối nội và chính sách đối ngoại
Từ chủ trương Hoa_ việt thân thiện , chúng ta thấy được mối quan hệ mật thiết giữa chính sách đối ngoại và chính sách đối nội, hai khái niệm này không thể bóc tách riêng lẻ. Qua nghiên cứu chủ trương Hoa – Việt thân thiện, ta đúc kết ra rằng “lợi ích quốc gia , dân tộc là trên hết” là yếu tố để quyết định chính sách đối nội và đối ngoại của một quốc gia.
Thời kỳ đất nước ta trong hoàn cảnh vô cùng ngặt nghèo “ngàn cân treo sợi tóc”, Hồ Chí Minh đã bổ sung những lực lượng của chế độ cũ vào mặt trận Liên Việt, về đối nội hành động này nhằm mở rộng khối đoàn kết toàn dân tạo thành một mặt trận dân tộc thống nhất, không thể chia cắt, còn về khía cạnh đối ngoại, hành động này muốn cho thế giới thấy rằng chính phủ do Hồ Chí Minh đứng đầu là một chính phủ đoàn kết, vì lợi ích dân tộc, chứ không vì lợi ích đảng phái, giai cấp.
Theo lệ thường thì nhiều nước trên thế giới sau khi cách mạng thành công, chính quyền thường quay lại trừng trị bộ máy cai trị của chế độ cũ như cách mạng Pháp 1979, cách mạng Nga 1917… nhưng Hồ Chí Minh và chính phủ lâm thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà thì không những không trừng trị họ mà còn bổ nhiệm họ vào những vị trí quan trọng trong chính quyền, ví dụ như Vĩnh Thuỵ, cựu Hoàng Bảo Đại , tham gia vào chính quyền với cương vị cố vấn tối cao, điều này chứng minh cho nhân loại thấy tính nhân văn trong tư cách Hồ Chí Minh.
Thành công của tổng tuyển cử năm 1946 là việc mang ý nghĩa đối nội rất rõ rệt nhưng cũng thông qua đó, chúng ta đã dần khẳng định tư cách pháp lý của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa với cộng đồng quốc tế cho họ thấy đây là một nhà nước do dân bầu , nhà nước của nhân dân dựa trên những nguyên tắc bình đẳng, tự do, dân chủ.
Chủ trương Hoa - Việt thân thiện, trong đó thực hiện những nhân nhượng với quân Tưởng có nguyên tắc là một chủ trương mang tính đối ngoại nhưng cũng thông qua đó, chúng ta đã tranh thủ được thời gian để khắc phục những khó khăn ở trong nước.
Tất cả những điều trên cho thấy chính sách đối ngoại và chính sách đối nội không hề tách rời nhau mà bổ sung cho nhau và giữa chúng được liên kết bởi một sợi dây “vô hình” là lợi ích dân tộc.
Như vậy, chính sách đối ngoại chính là sự kéo dài của chính sách đối nội. 


LỜI KẾT
Chủ trương “Hoa – Việt thân thiện” thành công ghóp một phần không nhỏ vào sự nghiệp lớn của đất nước, đưa Việt Nam dân chủ cộng hòa thoát khỏi tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Đạt được thành quả ấy không thể không nhắc tới ngọn đèn sáng soi mang tên chủ nghĩa Mác – Lê nin, bởi chính nhờ lý luận và phương pháp luận của chủ nghĩa này mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt lựa chọn đúng đắn các biện pháp ngoại giao: biểu dương lực lượng, lợi dụng mâu thuẫn, tránh xung đột, và nhân nhượng có nguyên tắc. Bằng tài năng, trí tuệ và phẩm chất của mình, vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc ta luôn giữ vững vai trò là người cầm lái chèo con thuyền Việt Nam, thông qua chủ trương “Hoa – Việt thân thiện” người đã dạy cho Tưởng bài học rằng “chúng ta chịu nhẫn nhục, chứ không chịu khuất phục”.
Chủ trương này giải quyết cùng lúc những khó khăn trong nước và khó khăn trong lĩnh vực đối ngoại của Việt Nam dân chủ cộng hòa, làm tăng vị thế quốc gia trong mắt bạn bè quốc tế. Đồng thời nó cũng cho ta thấy được sự hiện diện của sợi dây vô hình “lợi ích quốc gia, dân tộc” giữa đối nội và đối ngoại.
Đất nước được như ngày hôm nay bắt nguồn từ những khó khăn gian khổ như thế, việc nghiên cứu học tập trau dồi chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh là cần thiết để xây dựng nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày một giàu đẹp hơn văn minh hơn, nhanh chân tiến lên chủ nghĩa cộng sản trong tương lai.



0 nhận xét:

Đăng nhận xét