rss
twitter
    Find out what I'm doing, Follow Me :)

Tiểu luận Nhóm 2 - G33:Phân tích và so sánh những kết quả mà ngoại giao Việt Nam đạt được qua các Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954) và Hiệp định Pa-ri (1973)

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

 Bài viết dưới đây là sự tổng hợp một cách khái quát theo ý kiến chủ quan về các kết quả mà ngoại giao Việt Nam đạt được qua các Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954) và Hiệp định Paris (1973). Trong quá trình đưa ra ý kiến về vấn đề này, bài viết đã cố gắng tập trung vào phân tích và so sánh để rút ra được ý nghĩa của mặt trận ngoại giao Việt Nam qua cuộc chiến đấu với kẻ địch trên bàn đàm phán tại Hiệp định Giơ-ne-vơ và Hiệp định Paris.
 Trong phần đánh giá chung, bài viết đã thâu tóm ngắn gọn ý nghĩa của hai Hiệp định đối với Cách mạng Thế giới nói chung và đối với Cách mạng Việt Nam nói riêng. Có thể nói phần quan trọng nhất là phần đã mang đến cho người đọc linh hồn của bài viết cũng như thông điệp mà nhóm thực hiện tác phẩm này muốn gửi gắm.
 Phần cuối bài viết là cách diễn đạt lại một cách ngắn gọn mà đầy đủ nhất giá trị nội dung về chủ đề mà bài viết đề cập đó là những thắng lợi vẻ vang thể hiện sự trưởng thành, lớn mạnh của ngoại giao Việt Nam trên bàn đàm phán cũng như phát triển chính sách đối ngoại của Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến.








LỜI MỞ ĐẦU
  Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã phải trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ, đối đầu với hai kẻ địch lớn mạnh nhất thế giới là Pháp và Mỹ, để giành được độc lập dân tộc toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước. Bên cạnh đấu tranh quân sự và chính trị thì mặt trận ngoại giao đã góp phần không nhỏ làm nên thắng lợi to lớn đó. Điều này đã được thể hiện rõ nét qua Hiệp định Geneva và đặc biệt là qua Hiệp định Paris về vấn đề chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam.
  Mặc dù kí kết ở hai thời điểm khác nhau nhưng HĐ Geneva
 và HĐ Paris đều có ý nghĩa và giá trị to lớn trong lịch sử dân tộc. Cả hai đều phản ánh bước đi sách lược nhằm phục vụ mục tiêu chiến lược theo phương châm tạm hòa hoãn, tích lũy lực lượng, tiến lên giành thắng lợi từng phần đến thắng lợi hoàn toàn, nhằm mục tiêu cơ bản là giải quyết vấn đề độc lập dân tộc. Nó là nấc thang quan trọng ghi dấu từng bước phát triển của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại.
 Hơn 35 năm trôi qua dân tộc Việt Nam đã được hoàn toàn tự do và độc lập, nhưng mỗi khi nhắc đến hai cuộc chiến chống Pháp và Mỹ không ít người đã đặt ra rất nhiều câu hỏi xung quanh sự thành công của dân tộc ta là nhờ vào những yếu tố nào?, và đã có rất nhiều nhân vật đã và đang đi tìm đáp số cho bài toán ấy. Bài viết dưới đây hi vọng sẽ đáp ứng một phần thắc mắc của nhân dân yêu chuộng hòa bình và quan tâm tới lịch sử.
  Với chủ đề “Hiệp định Paris – đỉnh cao của nền ngoại giao Việt Nam” bài tiểu luận sẽ được chia thành hai phần chính: Phần một đánh giá chung về kết quả của hai HĐ Geneva và Paris. Phần hai là những kết quả mà ngoại giao Việt Nam đạt được tại Hội nghị Paris so với HĐ Geneva.
  Bài viết dưới đây của chúng em sẽ không tránh khỏi những thiếu sót, rất mong sự đóng góp ý kiến của thầy cô để bài viết được hoàn chỉnh hơn.
NỘI DUNG CHÍNH

I. Đánh giá chung 
Hiệp định Geneva 1954 về Đông Dương là thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam, Lào, Campuchia trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cũng như với cuộc đấu tranh quân sự và chính trị của nhân dân ta và nhân dân nước bạn Lào, Campuchia. Đồng thời, đó còn là thắng lợi của các nước yêu chuộng hòa bình và dân chủ trên thế giới. Bởi vì trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, chúng ta không chỉ nhận được sự ủng hộ to lớn của nhân dân trong khối Đông Dương mà còn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là nhân dân Pháp tiến bộ. 
Hiệp định Geneva giúp ta giải phóng được một nửa đất nước để làm căn cứ ủng hộ, giúp đỡ nhân dân miền Nam tiếp tục đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đồng thời, về khía cạnh chính trị, Hiệp định Geneve đã đem đến sự công nhận, tôn trọng của các nước lớn đối với các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân 3 nước Đông Dương là "độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ". Trên cơ sở đó, giải quyết vấn đề chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình và giải quyết vấn đề quân sự, vấn đề chính trị. Vĩ tuyến 17 lúc đó là ranh giới quân sự tạm thời, không thể coi đó là một ranh giới chính trị về lãnh thổ và ta đã đấu tranh rất quyết liệt để đưa điều kiện đó vào bàn đàm phán nhằm chống lại âm mưu chia cắt đất nước của bọn đế quốc và tay sai. Đó cũng là nội dung chủ chốt của Hiệp định đình chiến quân sự.
Đối với Hiệp định Paris, sau hơn bốn năm đàm phán tại Paris, các bên đã đi đến ký kết hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam. Nội dung chính của Hiệp định đã thể hiện thắng lợi to lớn của nhân dân ta, bao gồm các vấn đề: quyền dân tộc cơ bản, quân sự và chính trị. Đó là những cơ sở cho thắng lợi về sau của cách mạng miền Nam, Việt Nam. Hiệp định Paris đã thể hiện được những thành quả to lớn đặc biệt là trên mặt trận ngoại giao về những chiến lược, sách lược khôn khéo của ta nhằm nhận được sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, từng bước buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh ngồi vào bàn đàm phán.

II. Kết quả mà ngoại giao Việt Nam đạt được qua hai Hiệp định Geneva và Paris.
 Cả hai hiệp định đều được ký kết dựa trên nền tảng của thắng lợi quân sự. Tuy nhiên do đã được rút kinh nghiệm ở hiệp định Geneva nên ở hiệp định Paris ta đã có nhưng phương thức đấu tranh mới, đặc biệt là sự chủ động trên mặt trận ngoại giao để đạt được kết qủa to lớn, buộc kẻ thù phải kí kết những điều khoản mà ta đưa ra. Dưới đây là một số kết quả mà ngoại giao của ta đã đạt được ở hội nghị Paris so với hiệp định Geneva.

1. Kết hợp đấu tranh quân sự - chính trị với đấu tranh ngoại giao buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh bị động trên bàn đàm phán. 
Tháng 1 năm 1967, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ XIII đã họp, chủ trương sử dụng ngoại giao như một mặt trận, một mũi tiến công chiến lược trong sự nghiệp đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giải phóng đất nước. Hội nghị đã quyết định đẩy mạnh đấu tranh trên cả ba mặt trận quân sự - chính trị - ngoại giao, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng ba mặt trận này để tạo sức mạnh tổng hợp, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn. Tinh thần của Nghị quyết Trung ương XIII đã được thể hiện rõ nét qua cuộc đàm phán Paris. 
  Thắng lợi trên mặt trận quân sự - chính trị là tiền đề cho mặt trận ngoại giao:
Trong Nghị quyết Trung ương XIII, Đảng ta đã nhận định “chúng ta chỉ có thể giành được thắng lợi trên bàn hội nghị những cái mà chúng ta giành được trên chiến trường”. Có thể nói rằng nhân tố chính trị - quân sự là nhân tố có tính chất quyết định tới thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. 
Thắng lợi của ta trong hai mùa khô 1965 - 1966, 1966 - 1967 đã làm tổn thất nặng nề không lực của Mỹ ở miền Bắc, tiếp đó là cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã làm thay đổi tình hình, khiến cho quân Mỹ hoang mang và lúng túng. Tổng thống Mỹ Johnson đã phải ra tuyên bố sẵn sàng gặp đại diện của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa để bàn việc tìm giải pháp cho vấn đề Việt Nam, bước đầu mở ra hội nghị Paris. Cuộc đàm phán Paris tuy đã được mở ra nhưng Mỹ liên tục gây áp lực cho ta với ý đồ đàm phán trên thế mạnh, vừa đàm phán vừa đe dọa. Mỹ đã tiến hành “Việt Nam hóa chiến tranh” và sau đó ném bom chống phá miền Bắc. Chiến thắng xuân – hè 1972 đã đập tan âm mưu của Mỹ và tạo ra thời cơ, phục vụ tích cực cho cuộc đấu tranh chính trị ngoại giao, phá vỡ thế bế tắc kéo dài. Đặc biệt trận “Điện Biên Phủ trên không” là một đòn quyết định, khiến “chính quyền Nixon từ chỗ ngừng đàm phán để ném bom nay buộc ngừng ném bom để nối lại đàm phán” và nhanh chóng đi đến ký kết Hiệp định Paris (27/01/1973). Phương thức này ta cũng đã sử dụng trong hiệp định Geneva khi chiến thắng Điện Biên Phủ và bước vào đàm phán.
  Mặt trận ngoại giao hỗ trợ cho thắng lợi của mặt trận quân sự - chính trị:  
Trong cuộc chiến với Mỹ, tuy ta giành được những thắng lợi liên tiếp, nhưng xét về tương quan lực lượng trên chiến trường, ta không thể giành thắng lợi hoàn toàn bằng sức mạnh quân sự mà phải đánh bại được ý chí xâm lược của địch, buộc chúng phải rút quân. Để làm được điều đó, với tính chất cuộc đấu tranh giữa ta và địch hiện nay, đấu tranh ngoại giao giữ một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động. 
Trước hết, mặt tích cực của ngoại giao được thể hiện trong thế trận đánh – đàm ở cuộc đàm phán Paris. Ngay sau Hội nghị Trung ương XIII, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh đã tuyên bố: “chỉ sau khi Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh chống lại nước VNDCCH, thì VNDCCH có thể nói chuyện với Mỹ được” . Đây là đòn tiến công ngoại giao đầu tiên của ta, thể hiện rõ thiện chí của Việt Nam sẵn sàng nói chuyện với Mỹ có nguyên tắc và theo ý muốn của ta. Tuyên bố này đã đập tan luận điệu của Mỹ đòi “đàm phán không điều kiện” với mưu đồ đánh đồng kẻ xâm lược với người bị xâm lược, buộc ta phải đàm phán trong thế yếu, dưới bom đạn của chúng” ; thu hút sự chú ý, đồng tình của dư luận thế giới. 
Giữ vững thế chủ động, tuyên bố ngày 29/12/1967 của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh thể hiện bước chuyển trong sách lược ngoại giao từ “có thể nói chuyện” (1/1967) sang “sẽ nói chuyện”. Những đòn tấn công ngoại giao kết hợp với thắng lợi trên mặt trận chính trị - quân sự khiến Mỹ lúng túng, thêm vào đó tạo sức ép của dư luận về phía Mỹ, cuối cùng Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán với ta. 
Trong quá trình đàm phán, ngoại giao đã được vận dụng hết sức khôn khéo và linh hoạt, lúc cương lúc nhu. Lợi dụng thời cơ đang có cuộc chạy đua nước rút vào Nhà Trắng tại Mỹ tháng 11/1968, ngoại giao ta đã gây sức ép trên bàn đàm phán hai bên tại Paris, khiến Johnson phải ra lệnh cho không quân và hải quân Mỹ, chấm dứt mọi cuộc đánh phá VNDCCH để đi vào đàm phán bốn bên. Trong cuộc đàm phán, ta vừa giữ vững những vấn đề nguyên tắc vừa vận dụng sáng tạo, mềm dẻo các sách lược ngoại giao để từng bước đạt được những mục tiêu cụ thể trong các thời kỳ khác nhau. 
Hơn nữa, “cuộc đàm phán Paris là nơi ta và đối phương sử dụng nhiều phương thức thương lượng, tạo ra nhiều diễn đàn đàm phán, từ họp hẹp đến họp rộng, từ hai bên đến bốn bên, gồm cả những cuộc mặc cả bí mật và công khai, từ hình thức trao đổi công hàm ngoại giao giữa hai người đứng đầu chính phủ đến việc triệu tập hội nghị quốc tế với sự tham gia của nhiều nước để xác nhận và đảm bảo cho việc thực thi Hiệp định Paris sau khi nó được các bên tham chiến ký kết” . Điều này là điểm nổi bật và khác biệt so với cuộc kháng chiến chống Pháp, vì thời kỳ chống Pháp ta đã chưa kết hợp chặt chẽ mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao - đánh xong mới đàm.
  Mặc dù ta bị động trên bàn đàm phán và điều này đã được ta rút kinh nghiệm qua hiệp định Paris, tuy nhiên Hiệp định Geneva ta giành thắng lợi lớn trên chiến trường và buộc địch phải nhận thời hạn tổng tuyển cử là một thất bại của chúng vì cơ bản Mỹ không muốn bàn về vấn đề chính trị và âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, dùng vấn đề này để ép ta phải nhân nhượng chúng trong việc phân vùng. Do vậy, việc kết hợp giữa đấu tranh quân sự, chính trị và ngoại giao đã được sử dụng triệt để nhằm đạt kết quả cao nhất trên bàn thương lượng.
2. Ta đã đạt được quyền độc lập cơ bản, toàn vẹn lãnh thổ thống nhất đất nước ở Hiệp định Paris.
Quyền độc lập cơ bản:
Đây là mục tiêu xuyên suốt, cơ bản của cách mạng Việt Nam. Tại Hội nghị Paris, vấn đề này là yêu cầu quan trọng nhất mà ta kiên quyết đấu tranh đòi Mỹ phải cam kết tôn trọng. Hiệp định đã dành toàn bộ Chương I cho các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam là độc lập chủ quyền, thống nhất đất nước và toàn vẹn lãnh thổ và Điều 9 Chương IV cho việc thực hiện quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam. Đó chính là sự thừa nhận việc trái pháp luật quốc tế của cuộc chiến tranh Mỹ gây ra tại Việt Nam. Mặt khác, nó buộc Mỹ chấm dứt chiến tranh, chấm dứt sự can thiệp của mình trên đất nước Việt Nam, đồng thời ngăn chặn sự can thiệp trở lại công việc nội bộ của Việt Nam. Vì vậy, vấn đề miền Nam Việt Nam chỉ còn là của riêng Việt Nam, đảm bảo đưa Cách mạng Việt Nam tiến lên, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
  Hiệp định Paris là đỉnh cao của quá trình đấu tranh giành quyền dân tộc cơ bản. Bởi chỉ đến Hiệp đinh Paris, Việt Nam mới giành được điều mà Pháp chưa bao giờ công nhận còn Mỹ đã khước từ tại Hiệp định Geveva, trở thành một nước hoàn toàn độc lập và thống nhất. 
 Ở Hiệp định Geneva, lần đầu tiên các quyền cơ bản này của dân tộc Việt Nam đã được công nhận. Điều cần nhấn mạnh là, tuy Mỹ là một bên tham gia Hội nghị và đã cam kết không dùng vũ lực phá hoại Hiệp định, nhưng cuối cùng Mỹ lại tuyên bố “không bị các điều khoản của Hiệp định Geneva ràng buộc” , tạo cớ cho Mỹ không tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam. Như vậy, nội dung này mang tính chất nửa vời, ta mới chỉ giành được độc lập ở miền Bắc, còn đế quốc Mỹ đã can thiệp rất sâu vào công việc nội bộ của ta tại miền Nam Việt Nam. Đáng chú ý, “Hiệp định Geneva 1954 quả là chiếc boomerang đối với người Mỹ; Mỹ ném nó đi nhưng nó lại quay về chân Mỹ” . Từ chỗ từ chối công nhận quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam tại Giơ-ne-vơ, thì ở Paris vấn đề này lại được đem ra tranh cãi và Mỹ buộc phải thừa nhận.
Vấn đề thống nhất đất nước:
Đây là nội dung quan trọng thể hiện nổi bật được thắng lợi của Việt Nam tại Hội nghị Paris. Ta đạt được những điều khoản thừa nhận trên thực tế miền Nam Việt Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát, ba lực lượng chính trị. Những thỏa thuận này có ý nghĩa pháp lý rất quan trọng khi chính quyền Sài Gòn không còn là thực thể hợp pháp duy nhất tại miền Nam Việt Nam. Mọi vấn đề của miền Nam đều phải có tiếng nói của cả hai chính quyền. Điều này mở ra con đường tiến tới thành lập một chính quyền dân chủ, tiến bộ, thống nhất cho toàn miền Nam.
Tại Hội nghị Giơ-ne-vơ, vấn đề này cũng là một trong những trọng tâm chính trên bàn đàm phán, song Hiệp định Paris đã tiến triển hơn một bước, vì trong Hiệp định Giơ-ne-vơ, bên cạnh quy định hai bên Việt Nam hiệp thương để tổ chức tổng tuyển cử trong cả nước, còn tồn tại những điều khoản về việc lập giới tuyến quân sự tạm thời ở vĩ tuyến 17 và khu phi quân sự và thời gian tiến hành tổng tuyển cử là sau hai năm (7/1956).
Như vậy quyền độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước đã được Mỹ công nhận ở Hiệp định Paris. Đây là thành quả cao nhất mà cách mạng Việt Nam nói chung và nền ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh đã đạt được.
3. Xây dựng hậu phương quốc tế vững mạnh ủng hộ Việt Nam chống Mỹ.
Đảng ta đã nhận định “cho dù Mỹ là kẻ thù mạnh và nguy hiểm, ta vẫn có thể đánh Mỹ và thắng Mỹ nếu như ta phát huy được sức mạnh tổng hợp, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế, tranh thủ được sự ủng hộ rộng rãi về tinh thần, vật chất của các nước XHCH anh em và bạn bè trên thế giới”. 
Trước hết, ngoại giao tuyên truyền với thế giới về tính chính nghĩa – quyết tâm và tất thắng – thiện chí hòa bình của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Những điều này hoàn toàn phù hợp với bốn mục tiêu chung của thời đại lúc đó là hòa bình - độc lập dân tộc - dân chủ - chủ nghĩa xã hội. Cuộc đấu tranh của Việt Nam không đơn thuần là đấu tranh giải phóng dân tộc mà còn là một cuộc đấu tranh gìn giữ hòa bình, an ninh thế giới. Đó là nguồn gốc sâu xa của sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của thế giới đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam.
Sự kết hợp và phối hợp hài hòa giữa hoạt động ngoại giao của hai miền, giữa ngoại giao Nhà nước với hoạt động đối ngoại của Đảng và ngoại giao nhân dân, giữa trong và ngoài nước đã tạo nên sức mạnh tổng lực của ngoại giao Việt Nam, đặc biệt sự ra đời của Mặt trận Dân tộc dân chủ nhân dân Miền Nam Việt Nam (12/1960) là một con bài ngoại giao lớn chống lại luận điệu xuyên tạc rằng Mỹ đem quân vào miền Nam để chống sự lan tràn của chủ nghĩa cộng sản, đồng thời là mặt trận tập hợp lực lượng rộng rãi ở Miền Nam. 
Các hoạt động tuyên truyền như đưa tin tức và hình ảnh về cuộc chiến tranh tàn khốc của Mỹ ở Việt Nam qua các phương tiện truyền thông đại chúng, lập luận khẳng định tính chính nghĩa, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc về cuộc chiến tranh chống Mỹ của nhân dân Việt Nam tại các cuộc đàm phán công khai, và trả lời phỏng vấn báo chí của các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã hình thành mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược, phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ, làm phân hóa nội bộ chính phủ Mỹ, phe Mỹ - Ngụy, Mỹ và các nước chư hầu, đồng thời làm lung lay ý chí chiến đấu của quân Mỹ ở Việt Nam. Có thể nói rằng việc vận động nhân dân quôc tế và nhân dân Mỹ ủng hộ Việt Nam chống Mỹ là một thành công to lớn của mặt trận ngoại giao thời kỳ này, phát huy được hết khả năng của ngoại giao nhân dân góp phần to lớn vào việc cô lập địch trên trường quốc tế và trên chính nước Mỹ.
Một đặc điểm nổi bật của ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ này so với các giai đoạn trước là xây dựng được mặt trận đoàn kết Việt Nam – Lào – Campuchia trong cuộc cách mạng Đông Dương, có ý nghĩa quyết định đối với xu hướng đấu tranh cách mạng giữa ba nước.  
Có thể nói rằng việc vận động nhân dân quốc tế và nhân dân Mỹ ủng hộ Việt Nam chống Mỹ là một thành công to lớn của mặt trân ngoại giao thời kỳ này, phát huy được hết khả năng của ngoại giao nhân dân góp phần to lớn vào việc cô lập địch trường quốc tế và trên chính nước Mỹ thúc đẩy Mỹ phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán.
 Tại giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp ta cũng tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới và nhân dân Pháp tiến bộ. Và đặc biệt đã kết hợp chặt chẽ giữa ba nước Đông Dương, song ta vẫn chưa phát huy được hết tiềm lực của ngoại giao nhân dân trong cuộc hội đàm Geneva nên kết quả đạt được chưa cao không được như ta mong muốn. Điều đó một phần cũng là do yếu tố khách quan mang lại như thiếu phương tiện truyền thông đại chúng.


KẾT LUẬN

Bất cứ cuộc chiến tranh nào cũng đều đi đến kết thúc cuối cùng bằng con đường ngoại giao với những văn bản được kí kết. Cũng như vậy cả hai Hiệp định Geneva và Paris đều đã đánh dấu mốc son chói lọi trong trang sử Việt Nam hiện đại. Trước hết nó là văn kiện để buộc kẻ thù phải công nhận quyền độc lập dân tộc - quyền cơ bản của nhân dân Việt Nam. Buộc chúng phải chấm dứt chiến tranh và lập lại hoà bình toàn vẹn lãnh thổ thống nhất đất nước. Để đạt được kết quả đó thì đấu tranh ngoại giao cũng là một yếu tố hết sức quan trọng. Tuy nhiên ở Hội nghị Paris do đã được rút kinh nghiệm từ hội nghị Geneva và do nhiều nhân tố khách quan và chủ quan khác nên ta đã đạt được kết quả như mong đợi. Đầu tiên là buộc kẻ địch hùng mạnh nhất thế giới - nước Mỹ phải từng bước xuống thang chiến tranh bị động trên bàn đàm phán. Tiếp đó buộc Mỹ phải ký kết những điều khoản cơ bản mà ta đưa ra, trong đó Mỹ phải công nhân quyền độc lập cơ bản, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất đất nước điều mà ở Hiệp định Paris Mỹ đã không công nhận. Thêm vào đó có một điều nổi bật là ở cuộc kháng chiến chống Mỹ và trong suốt thời gian đàm phán ở hội nghị Paris là ta đã tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ to lớn của nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới và nhân dân Mỹ, tạo thành một mặt trận nhằm cô lập kẻ thù trên chính trường và quốc tế, là một nhân tố không nhỏ buộc kẻ thù phải nhân nhượng với ta, Đó là một thành tựu hết to lớncủa nền ngoại giao Việt Nam. Điều mà trong lịch sử chưa từng có và sẽ khó có thể có trong ngoại giao thời hiện đại. Hồ Chí Minh đã từng nói “ thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng” hai hiệp định trên quả thực đã làm cho tiếng của Việt Nam vang toàn năm châu, chấn động khắp địa cầu góp phần cổ vũ cho cuộc đấu tranh giành độc lập ở các nước Châu Á, Phi, Mỹ Latinh khác.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét