rss
twitter
    Find out what I'm doing, Follow Me :)

Tiểu luận nhóm 2 -C33: Phân tích chủ trương và việc thực hiện chủ trương kết hợp đánh - đàm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

A. LỜI MỞ ĐẦU
Cuộc đàm phán Paris 1968-1973 là đỉnh cao của việc kết hợp hài hòa giữa đấu tranh ngoại giao và đấu tranh quân sự. Chúng ta đã không chấp nhận những gì do các nước lớn dọn sẵn như ở hội nghi Genevé 1954. Bằng chủ trương đánh kết hợp đàm, chúng ta đã biết chớp thời cơ để kết thúc chiến tranh một cách có lợi nhất cho dân tộc. Có thể nói nhạy bén nắm bắt thời cơ là một trong những nhân tố trí tuệ hàng đầu của nhà hoạch định chính sách. Vậy liệu lúc này có phải thời cơ đã đến? Liệu đây đã là thời điểm thích hợp cho ta ngồi vào bàn đàm phán hay chưa? Trước đó Mỹ đã đặt vấn đề yêu cầu ta đàm phán, vậy để đến lúc này có phải là quá muộn không? Mặt khác, thực chất trận Mậu Thân mới chỉ đem lại cho ta thành công về ngoại giao còn quân sự và chính trị thì chưa phải là đã dành được thắng lợi, vậy đàm phán lúc này có phải là sớm quá không?
Đánh giá đúng tình hình và nắm bắt thời cơ nhanh nhạy là một trong những nguyên nhân khiến cuộc đàm phán Paris dành được thắng lợi. Ngay từ những năm 1965 với diễn văn ở Baltimore của Johnson, chính quyền Mỹ đã đòi hỏi ta đàm phán không điều kiện trong hoàn cảnh bom đạn ác liệt trên thế mạnh của chúng và thế yếu của ta nhưng ta không đồng ý. Chúng ta lúc đó còn chưa có được những thắng lợi bước đầu trên mặt trận quân sự, hoàn toàn không có gì để mặc cả với Mỹ, đàm phán lúc đó sẽ rất thiệt thòi. Tổng tiến công tết Mậu Thân tuy không hoàn toàn thắng lợi nhưng đã chấn động đến nước Mỹ và ảnh hưởng trên toàn thế giới. Vì thế, việc chúng ta ngồi vào bàn đàm phán lúc này là rất hợp lý. Trong khuôn khổ bài tiểu luận này chúng em sẽ chứng minh rằng lúc này thời cơ đã chín muồi để đi vào đàm phán Hà Nội, ngày 13 tháng 10 năm 2008

B. NỘI DUNG
I. Bối cảnh lịch sử
1. Bối cảnh quốc tế
Tháng Giêng 1969, R.Nixon lên cầm quyên, đại diện cho những thế lực hiếu chiến nhất của nước Mỹ. Tháng 7 năm 1969, Nixon công bố học thuyết của mình tại Guam và bắt đầu thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Mỹ bắt đầu triển khai đẩy mạnh “ngoại giao ba bên”, hay còn gọi là “tam giác chiến lược Mỹ - Xô – Trung”, thúc đẩy quá trình hòa hoãn với Liên Xô đồng thời hướng cho Trung Quốc ở thế đối trọng với Liên Xô. Như vậy quan hệ của ba nước lớn Liên Xô, Mỹ, Trung Quốc đều có những chuyển đổi về chiến lược, từ chỗ quyết liệt với nhau chuyển sang hòa hoãn, hợp tác. 
Chiến tranh đã lan ra cả ba nước Đông Dương bắt đầu giai đoạn giằng co quyết liệt trên chiến trường chính và cả ở Lào và Campuchia. Tháng 3-1970, thực hiện kế hoạch “Việt Nam hóa”, chính quyền Nixon giật dây Lon Non lật đổ quốc trưởng Xihanúc. Đồng thời, Hoa Kì tăng cường “chiến tranh đặc biệt” và chiến tranh phá hoại ở Lào, với không quân Mỹ và một lực lượng lục quân Thái Lan tham gia..
Phong trào nhân dân Mỹ chống chiến tranh phát triển thành cao trào rộng lớn, Nhân dân trên thế giới bền bỉ đứng bên cạnh nhân dân Việt Nam, đặc biệt là các nước ở Tây Bắc Âu. Các nước phương Tây cũng xa dần lập trường chiến tranh của Mỹ. Australia, New Zealand, Philippin rút khỏi chiến tranh Việt Nam.
2. Tình hình trong nước
Ta đã đánh bại một bước cuộc chiến tranh xâm lược cục bộ của đế quốc Mỹ ở miền Nam và đánh thắng cuộc chiến tranh bằng không quân, hải quân của Mỹ chống lại miền Bắc; đặc biệt với thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 buộc đế quốc Mỹ phải thay đổi chiến lược và ngồi vào bàn đàm phán với ta ở Paris.
Ở miền Nam, thắng lợi chính trị mở đầu là sự ra đời của chính phủ cách mạng lâm thời cộng hoà miền nam Việt Nam (6-6-1969). Vừa ra đời, chính phủ cách mạng lâm thời được 23 nước công nhận, trong đó có 21 nước đặt quan hệ ngoai giao.
II. Các bên ngồi vào bàn đàm phán với tư thế như thế nào?
1. Mỹ - Ngụy
 Mỹ
a. Thời điểm này Mỹ đã gặp những thất bại gì trên chiến trường?
Cuộc tổng tiến công, nổi dậy mùa xuân 1968 thắng lợi đã gây chấn động chính trị & tâm lý mạnh mẽ trên toàn nước Mỹ, nội bộ Mỹ dao động lung lay ý chí xâm lược, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán với ta.
Tổng thống Johnson với chiến dịch “phi Mỹ hoá chiến tranh”(1967) bị thất bại và trong hoàn cảnh khó khăn trên chính trường đặc biệt sau chiến dịch Mậu Thân, Mỹ đã buộc phải chấm dứt hoàn toàn ném bom miền Bắc(31/10/1968). Tổng thống Nixon lên thay với chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh chỉ là tìm cách biến một đội quân vốn đã không thỏa đáng thành một đội quân tồi tệ hơn. 
b. Mỹ đã khủng hoảng về sức mạnh quân sự như thế nào?
Sau khi lên cầm quyền, Nixon chủ trương dựa nhiều hơn vào không lực song không hiệu quả. Các dụng cụ tinh vi dù đầu tư nhiều thời gian và tiền của nhưng cũng thất bại. Việc ăn cắp nhiên liệu vẫn còn cao. Tinh thần và tình đoàn kết nội bộ của lính Mỹ ngày càng giảm sút. Mâu thuẫn bên trong giữa sĩ quan và binh lính cùng với mâu thuẫn sắc tộc của người lính Mỹ cũng là điều khiến các nhà lãnh đạo ngạc nhiên. Thêm vào đó, sự sụp đổ con người của người Mỹ ở Việt Nam trở thành một vấn đề công khai. Sự bế tắc quân sự ở Việt Nam đã lâm vào tình trạng không thể lật ngược lại.
c. Tính toán cá nhân.
Đến lúc này Nixon và Kissinger nhận thấy phải kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam. Theo Nixon, cuộc chiến tranh đã trở thành “một khúc xương mắc trong họng nước Mỹ” . Vị trí của Nixon càng ngày càng tồi tệ hơn, ông vấp phải sự chống đối đầy thù địch trong Quốc hội và phong trào chống chiến tranh đang ngày càng lớn mạnh. Việc đưa nước Mỹ ra khỏi chiến tranh Việt Nam sẽ đem lại cho Nixon một vị thế tốt hơn trên chính trường nước Mỹ cũng như trên thế giới “Tôi sẽ không kết thúc như Johnson cứ chui lủi trong Nhà Trắng không dám ló mặt ra phố. Tôi sẽ chấm dứt cuộc chiến tranh với tốc độ nhanh” .
Kissinger muốn đưa ngoại giao trở thành trung tâm cho chiến lược Việt Nam của tổng thống. Ông tin rằng Mỹ phải hướng các hành động quân sự của mình để đi đến các cuộc thương lượng, nếu không thì phải đơn phương đạt được nhiều mục tiêu , cứu vãn được thể diện và lòng tin của Mỹ.
d. Mỹ đã gặp phải những khó khăn gì trong nội bộ của mình?
Chiến tranh leo thang ở Việt Nam kéo theo những vấn đề trầm trọng trong nội bộ nước Mỹ như lạm phát, các vấn đề đô thị, tình trạng náo động trong trường đại học... Cùng với những thất bại nặng nề trên chiến trường Việt Nam, Mỹ bước vào thời kì suy thoái rõ rệt, kinh tế khó khăn, nội bộ chia rẽ sâu sắc. Lạm phát năm 1969 và 1970 của Mỹ đạt đỉnh cao trong vòng gần 2 thập kỷ, ngân sách thâm hụt nặng nề (năm 1970 thâm hụt 3 tỷ đô la và tăng lên 23 tỷ trong năm 1971) kéo theo sự giảm sút của thị trường chứng khoán. Đến năm 1970, tỷ trọng của Mỹ trong GDP thế giới đã thấp hơn của Tây Âu (23 phần trăm; 24,7 phần trăm). “Cuộc chiến tranh đã phá hoại nghiêm trọng nền kinh tế Mỹ, đã làm rực cháy ngọn lửa lạm phát,đã làm khô kiệt tài sản vô cùng cần thiết để khắc phục các vấn đề nghiêm trọng trong nước...và đã hạ thấp tốc độ phát triển của lợi nhuận...” . Sự chống đối chiến tranh lan rộng “có ít diều hâu còn lại trong giới kinh doanh”(tuần báo Bi-di-nêt-uýt) . 
Trước tình hình trên, mâu thuẫn trong nội bộ nước Mỹ cả trong giới cầm quyền Mỹ giữa phái “diều hâu” và phái “bồ câu” ngày càng gay gắt, ngay cả phái diều hâu cũng mang tâm trạng thất vọng ngày càng lớn. Thời kỳ trăng mật ngắn ngủi giữa Nixon với một Quốc hội do Đảng Dân chủ chi phối đã chấm dứt giữa mùa hè 1970. Những cuộc bầu cử Tổng thống gây sức ép buộc Mỹ phải đàm phán với ta. Dư luận trong nước không còn lòng tin vào chính quyền. Mức độ công chúng tán thành chiến tranh giảm hẳn. “Lương tâm người Mỹ nổi giận”.
14/5/1969, Tổng thống Nixon phải đưa ra kế hoạch 8 điểm để đối phó với dư luận đang ngày càng ủng hộ giải pháp 10 điều của ông Trần Bửu Kiếm, trưởng đoàn đại biểu Mặt trận dân tộc giải phóng Việt Nam đưa ra hôm 8/5/1969. Nixon đòi 2 bên cùng xuống thang, nhưng vẫn giữ kế hoạch là quân miền Bắc và quân Mỹ cùng rút và quân Mỹ vẫn giữ chính quyền Sài Gòn.
 Ngụy
Mỹ - Ngụy là đồng minh nên việc Mỹ đàm phán với ta sẽ gây bất lợi cho Ngụy. Nếu Mỹ chấm dứt chiến tranh Việt Nam thì Ngụy sẽ chết. Điều mà Mỹ quan tâm là sau khi Mỹ rút thì Ngụy sẽ tồn tại được trong bao lâu? Vấn đề Ngụy là vấn đề danh dự đối với Mỹ. Việc ngồi vào bàn đàm phán là một tấm màn che lớn để Mỹ có cái cớ để gạt đồng minh Ngụy ra khỏi tay của mình. Nhân tố Ngụy đã ảnh hưởng rất nhiều tới quá trình đàm phán. Ngụy liên tục gửi thư đe dọa Mỹ. Mỹ phải tăng viện trợ cho Ngụy, hứa rằng nếu miền Bắc vi phạm sẽ quay trở lại can thiệp và Mỹ sẽ kí hiệp định mà không làm ảnh hưởng tới Ngụy. Mỹ có dã tâm xâm lược Việt Nam dưới chiêu bài Ngụy quyền. Mỹ yêu cầu sẽ rút quân với điều kiện là ta phải rút hết quân Bắc ra khỏi miền Nam, tiến hành tổng tuyển cử bầu Tổng thống. Ta không chấp nhận yêu sách này của chúng. Mỹ chần chừ chưa kí bản hiệp định mà tiếp tục ném bom thêm năm 1972 vì trong đó nói rõ là chính quyền Ngụy phải bị tiêu diệt.
Tóm lại, về phía Ngụy, đàm phán để chấm dứt chiến tranh tức là giết chết Ngụy, song trước sức ép của Mỹ Ngụy buộc phải đồng ý kí hiệp định Paris. Nhân tố Ngụy có thể được coi là một cơ hội mà chúng ta đã bỏ lỡ trên bàn đàm phán. Ngụy được ví như con khỉ bị nghiện trong rạp xiếc, nó cần thuốc-được bơm từ Mỹ, nếu Mỹ đi, nó không thể sống.
2. Việt Nam
Kinh nghiệm thực tế đã chỉ rõ rằng, không có thắng lợi về quân sự thì cũng không có thắng lợi về ngoại giao. Trong giai đoạn 1968-1973, chúng ta đã có được những lợi thế cơ sở trên chiến trường để từ đó mà có được ưu thế khi đàm phán với Mỹ như thế nào?
Từ đầu năm 1965, quân ta đã đánh bại chiến tranh cục bộ của quân viễn chinh Mỹ, quân chư hầu, quân ngụy ở miền Nam và chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân lần thứ nhất của Mỹ ở miền Bắc. Miền Nam đánh quân Mỹ, chư hầu, ngụy cả về quân sự và chính trị. Thắng lợi mở đầu ở trận Vạn Tường (Quảng Ngãi ) (8-1965), tiếp đến đánh bại Mỹ trong hai chiến lược phản công hai mùa khô (1965-1966 và 1966-1967), cuối cùng quân và dân ta ở miền Nam, có sự phối hợp của cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của quân và dân miền Bắc, mở cuộc tổng tiến công và nổi dây trong năm 1968, mở đầu bằng cuộc tập kích chiến lược của các lực lượng vũ trang ta vào hầu hết các thành thị ở miền Nam trong dịp tết Mậu Thân. Đó là đòn bất ngờ đánh vào quân viễn chinh Mỹ, làm lung lay ý chí xâm lược của chúng, buộc chúng phải tuyên bố “phi Mỹ hóa” chiến tranh (tức thừa nhận thất bại của chiến tranh cục bộ), phải chấm dứt chiến tranh xâm lược. Thực chất đó là hành động xuống thang chiến tranh của Mỹ. Đối với ta, tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân đã mở ra bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Từ đầu năm 1969, quân và dân cả nước ta phối hợp với quân và dân Lào, Campuchia chiến đấu chống Mỹ, đánh bại chiến lược “Việt nam hóa” chiến tranh, “Lào hóa” chiến tranh, “Khơme hóa” chiến tranh, nói chung “Đông Dương hóa” chiến tranh, và chiến tranh phá hoại lần thứ 2 đối với miền Bắc (bắt đầu từ 6-4-1972).
Ngoại giao ta đã làm được những gì? Phát huy thế thắng, ngoại giao của ta cũng tăng cường tiến công địch, phối hợp tốt với chiến trường và giành thêm nhiều thắng lợi quan trọng. Cùng với tổng tấn công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968, ta tấn công mạnh mẽ trên mặt trận ngoại giao đẩy Mỹ đi sâu vào chiều hướng xuống thang chiến tranh. Với bản tuyên bố ngày 3/4/1968, Chính phủ ta buộc Mỹ phải chấp nhận tình hình vừa đánh, vừa đàm phán một cách bị động. . Sau tuyên bố này, một cục diện mới vừa đánh vừa đàm đã được mở ra. Cục diện này đã góp phần đẩy mạnh đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị. Ta ngày càng đấu tranh mạnh mẽ buộc Mỹ xuống thang chiến tranh, góp phần vào việc thực hiện phương châm chiến lược của ta là đánh thắng chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, không cho Mỹ mở rộng chiến tranh và đã buộc Mỹ phải vào bàn họp Hội nghị bốn bên. Năm 1968, Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc và đến tháng 1 năm 1969 Mỹ chấp nhận tham gia hội nghị bốn bên, công nhận Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam là bên tham gia độc lập trong đàm phán. Đây cũng là những thành công bước đầu, rất quan trọng trong chiến lược đánh- đàm của ta. Hơn thế nữa, chúng ta đã phát huy được tác dụng to lớn của Hội nghị Paris và kiên trì giải pháp toàn bộ 10 điểm của Mặt trận dân tộc giải phóng và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Chúng ta đã đập tan mọi luận điệu, mọi đề nghị của Mỹ-Ngụy, buộc chính quyền Nixon phải nhận để Hội nghị Paris họp với sự tham gia của Mặt trận dân tộc giải phóng. Giải pháp toàn bộ 10 điểm được sự đồng tình và ủng hộ của các chính phủ và nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới, của nhân dân tiến bộ Mỹ và từ đó ngày càng phát huy sức tiến công, đẩy mạnh phong trào đòi chính quyền Nixon phải chấm dứt xâm lược, rút hết quân Mỹ ra khỏi miền Nam, triệt để tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam. Kông những thế, chúng ta đã biết cân bằng Xô Trung, giành được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước anh em quyết tâm đoàn kết chống lại kẻ thù chung. 
 Thực chất từ đầu năm 1969 đến tháng 10 năm 1972, lập trường của Mỹ là rút quân Mỹ có điều kiện, rút quân Mỹ phải đi đôi với việc rút quân Bắc Việt Nam ra khỏi miền Nam Việt Nam, duy trì Ngụy quyền Sài Gòn. Đến tháng 12 năm 1972 phía Mỹ lật lọng đưa đến cuộc tập kích bằng B52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng. Song chúng ta đã đánh bại cuộc tấn công này gây ra những tổn thất hết sức nặng nề, cô lập địch, buộc chúng phải dừng tập kích vào 30/12/1972. Sau chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” chúng ta đã nối lại đàm phán và kí hiệp định Paris vào 27/1/1973 giành được những thắng lợi rực rỡ, đáp ứng được hai nguyên tắc cơ bản và bốn yêu cầu lớn.
Giai đoạn 1968 – 1973 đánh dấu giai đoạn căng thẳng trong cuộc chiến Việt Nam - Mỹ để tiến đến kí kết hiệp định Paris ( 1973). Trong thời gian này, Việt Nam liên tiếp chiến thắng trên tất cả các mặt trận, nhân dân trong nước sôi sục ý chí chiến đấu, dư luận thế giới gia sức ủng hộ, cùng với sự giúp đỡ nhiệt tình của anh em Liên Xô, Trung Quốc. Chúng ta có đủ sức mạnh để gây sức ép buộc Mỹ ngồi vào bàn đàm phán. Hơn nữa, việc ngồi vào bàn đàm phán phù hợp với chiến lược của ta đó là không chủ trương thắng Mỹ hoàn toàn về mặt quân sự, dành thắng lợi từng bước bằng nhiều hình thức cả về ngoại giao.
Thắng lợi chính trị, ngoại giao giành được trong thời kì này (đầu 1968-đầu 1973) là: thành lập Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam (6-6-1969). Hội nghị cấp cao nhân dân Đông Dương (24 đến 25-4-1970). Chính phủ kháng chiến miền Nam Việt Nam và Campuchia được công nhận chính thức là những thành viên của khối các nước không liên kết trong Hội nghị quốc tế của 59 nước họp ở Giócgiơtao (thủ đô nước cộng hòa Guana) tháng 8-1972.
Tuy nhiên, trong muôn vàn những thuận lợi và thời cơ trước mắt, Việt Nam vẫn có 1 chút yếu điểm. Vậy nhược điểm của ta là gì? Có thể đó chỉ là những yếu điểm nhỏ, không đáng kể. Nhưng nếu đối mặt với 1 đế quốc ma mãnh, lọc lõi như Mỹ, mọi điểm yếu dù nhỏ nhất đều có thể được khai thác. Đó là điểm yếu về mặt địa vị của chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam và phải san sẻ sức mạnh ở chiến trường Lào và Campuchia. Song so với thời cơ và thuận lợi của ta trong giai đoạn này, yếu điểm đó không đáng kể.
3. Các nước khác
Liên Xô và Trung quốc là 2 nước trong khối Xã hội chủ nghĩa rất tích cực giúp đỡ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Quan điểm của 2 nước này về vấn đề đàm phán chấm dứt chiến tranh Việt Nam là không đồng nhất ngay từ khi 2 nước bắt đầu tham gia giúp đỡ Việt Nam chống Mỹ. Liên Xô thì không muốn hi sinh chiến lược hòa dịu với Mỹ nên rất mong Việt Nam sớm chấm dứt chiến tranh và đàm phán với Mỹ. Ngược lại, Trung Quốc lo sợ Việt Nam sẽ tiến hành đàm phán non vì Trung muốn tiếp tục kéo dài chiến tranh để làm suy yếu cả 2 bên. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, về phía Trung Quốc: cuộc chiến này càng kéo dài là điều mà họ mong đợi nên nếu ta không đàm phán lúc này thì sớm hay muộn ta cũng vẫn phải đàm phán để chấm dứt chiến tranh. Và không sớm thì muộn Trung cũng sẽ quay lưng lại với ta.
Thứ hai, về phía Liên Xô, đàm phán là kết quả mà họ luôn mong để chấm dứt chiến tranh. Họ không muốn đối đầu thêm với Mỹ và cũng không muốn mất sự ảnh hưởng là “anh cả” của phe XHCN. Khi thấy đàm phán quá kéo dài, Liên Xô đã gây sức ép để ta phải nhân nhượng Mỹ.
III. Đánh giá
Có thể nói rằng chiến lược đánh và đàm và hiệp định Paris là những thắng lợi ngoại giao to lớn của đất nước ta. Vậy chiến lược đánh và đàm được đưa ra tại thời điểm đó đã là thích hợp hay chưa ? chúng ta đã tận dụng thời cơ trong quá trình đàm phán như thế nào?
Có thể kết luận rằng chiến lược của ta là rất phù hợp trong hoàn cảnh đó . Chúng ta đã nhạy bén nắm bắt thời cơ để đàm phán thắng lợi. Chiến lược của ta lúc đó đã đáp ứng yêu cầu của hầu hết các bên liên quan cũng như là hợp với xu thế vận động và phát triển của thời đại.
Trong thời kỳ này, chủ trương của chúng ta không thắng hoàn toàn bằng quân sự mà chủ trương thắng lợi bằng nhiều hình thức, tức là kết hợp tất cả các mặt: chính trị, quân sự, ngoại giao là rất đúng đắn. Rõ ràng, đế quốc Mỹ vượt trội hơn chúng ta về sức mạnh kinh tế và quân sự, tuy nhiên, chúng rất yếu về chính trị. Mỹ đang bị sức ép rất nhiều từ dư luận thế giới đặc biệt là dư luận Mỹ trong cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam. Như vậy thời điểm Mậu Thân 1968 đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng có ý nghĩa chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Đây là thời điểm thích hợp nhất để ta ngồi vào bàn đàm phán vì đàm phán lúc này ta có thể giành được thắng lợi to lớn. Khi đó ta đang thế thắng, lực lưọng của ta lúc này cũng dần mạnh lên, ta được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo quần chúng yêu chuộng hoà bình trên thế giới, trong khi đó Mỹ bị thua, hơn nữa, Mỹ lại bị sức ép rất lớn của dư luận và của nội bộ Mỹ. Mỹ nhận thấy lợi ích toàn cầu của Mỹ bị đe dọa nghiêm trọng, Mỹ buộc phải chấm dứt chiến tranh ở VN. Nhưng ta xác định nếu tiếp tục đấu tranh bằng mặt trận quân sự thì không ổn bởi chúng ta vừa mới chiến đấu trên chiến trường, tuy ta thắng nhưng ta vẫn bị tổn thất. Vì vậy lúc này sẽ là thời điểm tốt nhất để ta ngồi và bàn đàm phán, ta hoàn toàn giành thế chủ động. Tức là ta ngồi đàm phán lúc này là ngồi trên thế thắng. Các nhà hoạch định chính sách đã đánh giá được tình hình, nhìn nhận ra được thời điểm thích hợp, đem lại thắng lợi cho ta.
Và cuối cùng là xu thế giải quyết những xung đột trong quan hệ quốc tế lúc bấy giờ là xu thế đàm phán và đối thoại. Như vậy có thể khẳng định rằng, chiến lược đánh và đàm lúc bấy giờ của ta là hết sức đúng đắn, thời điểm thích hợp và phù hợp với xu thể phát triển thời đại.
Có lúc nào chúng ta đã bỏ lỡ thời cơ trên bàn đàm phán không? Có ý kiến cho rằng liệu ta có quá cứng nhắc trong một số quan điểm (như vấn đề khu phi quân sự) để có thể giải phóng đất nước sớm hơn, bớt được những đau thương hay không? Có thể nói rằng , từ đầu chúng ta đã chọn con đường trường kỳ kháng chiến, kháng chiến toàn dân toàn diện lâu dài “ dù 5 năm hay 10 năm nhưng kháng chiến nhất định thắng lợi về ta ”. Chính lập trường kiên định và không gì lay chuyển đó của ta cũng là một đòn tinh thần lớn cho ý chí xâm lược của địch. Thêm vào đó , Mỹ lại là một tên đế quốc sừng sỏ, nó không dễ gì từ bỏ ý chí một cách dễ dàng, nó còn phải giữ một bộ mặt của một nước lớn, một nước luôn luôn tự cho mình cái quyền lãnh đạo thế giới. Vì thế lập trường kiên định của ta không phải là một vật cản cho quá trình đuổi quân Mỹ ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Nhìn lại hiệp định Paris sau hơn 30 năm qua chúng ta còn bỏ lỡ một số cơ hội vì đã không nhận thấy hết được mâu thuẫn trong nội bộ nước Mỹ đặc biệt là ngay trong giới diều hâu cầm quyền. Để tỏ tâm trạng thất vọng ngày càng lớn của phái “diều hâu”, Thượng nghị sĩ Risot Rutxen, bang Georgia nhấn mạnh, nếu hòa đàm Pari không nhanh chóng đem lại kết quả thì Mỹ phải thực hiện “một hành động đáng kể” chống Bắc Việt Nam. Chúng ta cũng chưa nhận thấy được mâu thuẫn Mỹ- Ngụy, vốn khó xảy ra trong quan hệ chủ-tớ nhưng không phải là không có. Ngay từ 1967, Mỹ đã đề ra chính sách decent interval (cho Thiệu một thời gian sống sót vừa phải trước khi sụp đổ). Một điều chúng ta không nhận thấy lúc bấy giờ là Mỹ sẽ bỏ rơi Thiệu một ngày không xa song chưa thể liều lĩnh bỏ Thiệu ngay lúc này vì sẽ mang tiếng phản bội đồng minh, ảnh hưởng đến sự vấn đề danh dự của Mỹ. Nếu Mỹ vẫn cứ tiếp tục đơn phương rút toàn bộ quân Mỹ ra khỏi Việt Nam sau khi kí kết hiệp định bỏ mặc đồng minh với mối dọa lớn từ Bắc Việt thì dư luận thế giới ngay lập tức sẽ suy nghĩ rằng: làm kẻ thù của Mỹ đã nguy hiểm , làm đồng minh của Mỹ còn nguy hiểm hơn thậm chí cầm chắc cái chết. Mỹ đã trút B52 xuống miền Bắc vào tháng 12/1972 một phần để cho Thiệu biết là Mỹ còn ủng hộ Thiệu. Sau đó năm 1973 Thiệu dù không muốn nhưng trước sức ép của Mỹ buộc phải kí hiệp định Paris. Đáng lẽ chúng ta chỉ cần đấu tranh cho Mỹ cút thì tất Ngụy sẽ chết theo, song chúng ta kiên quyết đánh đồng thời cả Mỹ lẫn Ngụy làm ảnh hưởng đến kết quả của đàm phán. Vào thời điểm đó chúng ta đã chưa đánh giá hết được tình hình, song chúng ta cũng đã làm được những gì tốt nhất có thể để kết thúc chiến tranh đúng lúc một cách có lợi cho dân tộc.


C. KẾT LUẬN
Hơn 30 năm nhìn lại, chúng ta đã làm được rất nhiều ở cuộc đàm phán Paris. Chiến lược đánh kết hợp đàm không phải đến năm 1968 mới được đề cập đến mà nó đã được nhắc đến trước đó đặc biệt là bước chuyển quan trọng trong chính sách đối ngoại ở Hội nghị TW XIII “Đấu tranh ngoại giao giữ vai trò quan trọng, tích cực và chủ động”. Song công cụ ngoại giao chỉ được đặt lên ngang hàng một cách rõ ràng để phối hợp với quân sự sau trận Mậu Thân. Liệu có phải việc đàm phán ở Paris chỉ được mở ra một cách ngẫu nhiên sau khi chúng ta không đạt được các mục tiêu chính trị và quân sự đặt ra trong trận Mậu Thân 68? Rõ ràng luận điệu này có những điểm không sai song chúng ta không thể phủ nhận rằng lúc này thời cơ đã đến và chúng ta đã biết cách tận dụng nó. Đây chính là thời điểm thích hợp cho ta ngồi vào bàn đàm phán, không thể sớm hơn và cũng không nên muộn hơn. Chúng ta đã biết lựa thời thế và chúng ta đã dành được những thắng lợi to lớn. Bài học về việc nhạy bén nắm bắt thời cơ vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay, giúp chúng ta chống lại “diễn biến hòa bình” của những kẻ phá hoại, ngày càng khẳng định vị thế trên trường quốc tế và tạo ấn tượng đẹp với bạn bè năm châu.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét