rss
twitter
    Find out what I'm doing, Follow Me :)

Bài tiểu luận CSĐN nhóm 2 lớp A33



TÓM TẮT

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vang lên trên quảng trường Ba Đình – Hà Nội, đánh dấu một bước chuyển vĩ đại, mở ra chặng đường mới cho lịch sử dân tộc. Hồ Chí Minh, thay mặt cho toàn thể quốc dân đồng bào tuyên bố với cả thế giới sự ra đời của một nhà nước mới, nhà nước độc lập chủ quyền. Từ đây, vị thế của tổ quốc, cũng như của mỗi người dân yêu nước, đã được nâng lên đáng kể trên trường quốc tế; đồng thời với đó, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải kiên quyết “giữ vững quyền tự do độc lập ấy”. 
 Giai đoạn lịch sử 1945-1946 được coi là giai đoạn thách thức với Chính phủ lâm thời mới được thành lập còn non trẻ và cần thời gian để kiện toàn. Sau khi nhận định những thuận lợi và khó khăn của bối cảnh quốc tế và khu vực đầy biến động, cũng như tình hình trong nước còn rất phức tạp, cùng với những nỗ lực của mình, Đảng và Chính phủ đã đưa ra đường lối chinh sách đối ngoại phù hợp, linh hoạt, thể hiện lập trường quan điểm kiên quyết bảo vệ nền độc lập dân tộc. Trong quá trình tìm hiểu nhân tố ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giai đoạn 1945-1946, chúng tôi đặt ra câu hỏi là: liệu chính sách đối ngoại được hoạch định qua lăng kính của các nhà lãnh đạo Đảng và Chính phủ đã là hoàn toàn đúng đắn và liệu chúng ta còn có lựa chọn nào khác tốt hơn không? 
 Vì vậy, bài nghiên cứu của chúng tôi ngoài việc phân tích tình hình trong và ngoài nước ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại Việt Nam 1945-1946 còn có phần trọng tâm chính là đưa ra những lí lẽ, dẫn chứng cụ thể, thuyết phục để trả lời cho câu hỏi nghiên cứu trên; qua đó, làm nổi bật vai trò to lớn của chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc đúng đắn dẫn dắt nền đối ngoại Việt Nam thực hiện các mục tiêu dân tộc.

I. LỜI NÓI ĐẦU

Nền ngoại giao của bất kỳ nước nào cũng nhằm phục vụ ba mục tiêu cơ bản, đó là an ninh (góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia); phát triển (tranh thủ những điều kiện quốc tế thuận lợi nhất để phát triển đất nước) và ảnh hưởng (nâng cao vị thế, mở rộng ảnh hưởng trên trường quốc tế…). Ngoại giao Việt Nam cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.

Theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm, “Thành bại về ngoại giao của mọi quốc gia ở vào bất kỳ thời đại nào cũng tuỳ thuộc chủ yếu vào thực lực của đất nước kết hợp với sự vận dụng khéo léo của con người” . Căn cứ vào đó, về thực lực, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau cách mạng Tháng Tám –1945 chưa thể nói là có thực lực mạnh khi mà ngân khố hầu như trống rỗng; giặc đói hoành hành cướp đi sinh mạng của hai triệu người; giặc dốt tồn tại khiến hơn 90% dân số là mù chữ, quân đội còn non trẻ trang bị cực kỳ thô sơ, thiếu thốn v.v… Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Khoan cũng viết : “Khó mà giữ được chủ quyền và an ninh quốc gia cũng như sự toàn vẹn lãnh thổ nếu không có sức mạnh dựa trên sự phát triển của đất nước” . Nhưng đó là xét trên bình diện lý luận. Còn trên thực tế thì sao?

“Trên thực tế, có trường hợp nước ta, tuy là nước yếu song đã huy động được sức mạnh tổng hợp ở bên trong và sự hỗ trợ quốc tế nên vẫn giành được chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ” . Xem xét hoàn toàn lịch sử cụ thể ngoại giao Việt Nam giai đoạn 1945-1946, trong điều kiện thực lực của ta còn yếu thì thành bại của nền ngoại giao khi đó chủ yếu phụ thuộc vào “Sự vận dụng khéo léo của con người”. Con người cụ thể ở đây là Hồ Chủ tịch, là Đảng, Nhà nước ta và nhân dân ta. Theo ý kiến của chúng tôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó vừa là Nguyên thủ quốc gia vừa kiêm giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã có đường lối ngoại giao hết sức đúng đắn, sáng tạo, linh hoạt, khéo léo, uyển chuyển- “dĩ bất biến ứng vạn biến”- để thực hiện được mục tiêu hàng đầu khi đó là bảo vệ độc lập, chủ quyền và nhà nước non trẻ của chúng ta, tạo điều kiện để chúng ta bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp khó tránh khỏi sau đó. Sau khi tìm hiểu những nhân tố nội tại của chính sách đối ngoại Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, bài viết cũng đi tìm câu trả lời cho câu hỏi bấy lâu nay gây trăn trở cho những người hoạt động trong giới học thuật là liệu có sự lựa chọn nào tốt hơn cho chính sách giai đoạn này hay không. Nội dung chính của bài viết được phân bố thành bốn phần chính sau đây: 
1. Nhân tố bối cảnh quốc tế và khu vực
2. Nhân tố tình hình trong nước, ảnh hưởng của chính sách đối nội đến chính sách đối ngoại
3. Nhân tố cá nhân lãnh đạo của Hồ Chí Minh
4. Có sự lựa chọn nào tốt hơn cho chính sách đối ngoại giai đoạn này hay không?

II. NỘI DUNG CHÍNH
Qua tìm hiểu nghiên cứu, chúng tôi đã rút ra rằng nhân tố nội tại là những nhân tố bên trong tự thân của một chính sách, mà ở thời kỳ này, nhân tố nội tại không gì khác chính là nhân tố từ bối cảnh quốc tế và khu vực, ảnh hưởng của chính sách đối nội đến chính sách đối ngoại và nhân tố lãnh đạo của Hồ Chí Minh. Khi mà chính phủ liên minh của ta lúc bấy giờ còn có cả bọn phản động tay sai thì nhân tố lãnh đạo là nhân tố quyết định thắng lợi cho ngoại giao nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà non trẻ, đứng vững trước thù trong giặc ngoài để tiếp tục lớn mạnh.
1. Nhân tố từ bối cảnh quốc tế và khu vực
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà ra đời khi Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn cuối, phe Trục bị phe Đồng Minh đánh bại, khi độc lập dân tộc trở thành một xu thế chung trên thế giới lúc bấy giờ và hoàn toàn phù hợp với Hiến Chương Liên Hiệp Quốc. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, uy tín và địa vị của Liên Xô được nâng cao trên trường quốc tế. Phong trào cách mạng giải phóng dân tộc có điều kiện phát triển, trở thành một dòng thác cách mạng. Một số nước trong khu vực cũng đã giành được độc lập, thành lập nền dân chủ tiến bộ và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam như Thái Lan, Myanmar. Đây là một sự khích lệ to lớn chứng tỏ Việt Nam đã có được sự nhìn nhận của một số người bạn trên thế giới và đây chính là điểm khởi đầu cho tính pháp lý của việc thực hiện chính sách đối ngoại, vì chỉ có một nhà nước độc lập dân chủ mới có đường lối đối ngoại riêng.
2. Nhân tố tình hình trong nước, ảnh hưởng của chính sách đối nội đến chính sách đối ngoại
2.1. Chính trị an ninh
Thế nhưng, nền độc lập non trẻ cũng gặp không ít chông gai, mà nói đúng ra là đang ở thời điểm như “ngàn cân treo sợi tóc”. Cuối tháng 8 năm 1945, theo thoả thuận của Đồng minh ở Hội nghị Posdam, gần 20 vạn quân của chính phủ Tưởng Giới Thạch vào nước ta từ vĩ tuyến 16 trở ra làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật. Phía Nam vĩ tuyến 16, quân đội Anh với danh nghĩa quân Đồng minh giải giáp quân đội Nhật đã đồng loã và tiếp tay cho thực dân Pháp quay lại Đông Dương. Như vậy trên đất nước ta lúc bấy giờ có sự hiện diện của nhiều loại quân thù cùng một lúc: Anh, Pháp, Tàu- Tưởng, quân tay sai phản động Việt Quốc, Việt Cách và Nhật bại trận đang chờ giải giáp. Theo quân Tưởng là lực lượng tay sai phản động trong hai tổ chức "Việt quốc" (Việt Nam quốc dân Đảng) và "Việt cách" (Việt Nam cách mạng đồng minh hội). Vào Việt Nam, quân Tưởng Giới Thạch còn ráo riết thực hiện âm mưu tiêu diệt Đảng ta, phá tan Việt Minh, đánh đổ chính quyền cách mạng, lập chính quyền phản động tay sai của chúng. Đằng sau quân Tưởng là đế quốc Mỹ đang nuôi dã tâm đặt Đông Dương dưới chế độ "uỷ trị", một trá hình của chế độ thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Ngày 23-9-1945, được quân Anh giúp sức, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai.Trên đất nước ta lúc đó còn có khoảng 6 vạn quân Nhật đang chờ giải giáp. Một số quân Nhật đã thực hiện lệnh của quân Anh, cầm súng cùng với quân Anh dọn đường cho quân Pháp mở rộng vùng chiếm đóng ở miền Nam. Lúc này, các tổ chức phản động "Việt quốc", "Việt cách", Đại Việt ráo riết hoạt động. Chúng dựa vào thế lực bên ngoài để chống lại cách mạng. Chúng quấy nhiễu, phá rối, cướp của, giết người, tuyên truyền, kích động một số người đi theo chúng chống lại chính quyền cách mạng và đòi cải tổ Chính phủ lâm thời và các bộ trưởng là đảng viên cộng sản phải từ chức. Chúng lập chính quyền phản động ở Móng Cái, Yên Bái, Vĩnh Yên. Chưa bao giờ trên đất nước ta có mặt nhiều thù trong, giặc ngoài như lúc này.
2.2. Kinh tế xã hội
Trong lúc đó, ta còn phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về kinh tế, xã hội. Nạn đói ở miền Bắc do Nhật, Pháp gây ra chưa được khắc phục. Ruộng đất bị bỏ hoang. Công nghiệp đình đốn. Hàng hóa khan hiếm, giá cả tăng vọt, ngoại thương đình trệ. Tình hình tài chính rất khó khăn, kho bạc chỉ có 1,2 triệu đồng, trong đó quá nửa là tiền rách. Ngân hàng Đông Dương còn nằm trong tay tư bản Pháp. Quân Tưởng tung tiền quốc tệ và quan kim gây rối loạn thị trường. 95% số dân không biết chữ, các tệ nạn xã hội do chế độ cũ để lại hết sức nặng nề. 
2.3. Vậy những vấn đề đó tác động đến nhận thức lãnh đạo như thế nào?
Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã tỉnh táo và sáng suốt phân tích tình thế, chiều hướng phát triển của các trào lưu cách mạng trên thế giới và sức mạnh mới của dân tộc làm cơ sở để vạch ra chủ trương và giải pháp đấu tranh giữ vững chính quyền, bảo vệ nền độc lập tự do. Đảng đã xác định trong tình hình gay go và khó khăn như thế, ngoại giao phải là một thứ vũ khí sắc bén khi mà quân sự và kinh tế của chúng ta còn yếu kém. 
Chúng ta có một chính quyến hợp pháp, chính quyền nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã được kiến lập có hệ thống từ Trung ương đến cơ sở. Nhân dân lao động đã làm chủ vận mệnh của dân tộc. Lực lượng vũ trang nhân dân đang phát triển. Toàn dân tin tưởng và ủng hộ Việt Minh, ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dưới sự lãnh đạo khéo léo của Đảng, của Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ tối cao của dân tộc, toàn dân, toàn quân đoàn kết một lòng trong mặt trận dân tộc thống nhất, quyết tâm giữ vững nền độc lập tự do của dân tộc.
2.4. Triển khai chính sách
Sau ngày tuyên bố độc lập, Chính phủ lâm thời đã nêu ra những việc cấp bách nhằm thực hiện ba nhiệm vụ lớn: diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Ngày 25-11-1945, Ban Chấp hành Trung ương ra Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc. Chỉ thị nhận định tình hình thế giới và trong nước, chỉ rõ những thuận lợi cơ bản và những thử thách lớn lao của cách mạng nước ta. Trung ương Đảng xác định: Tính chất của "cuộc cách mạng Đông Dương lúc này vẫn là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng" . Cuộc cách mạng ấy chưa hoàn thành vì nước ta chưa hoàn toàn độc lập. Khẩu hiệu của ta lúc này vẫn là "Dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết". Phân tích âm mưu của các đế quốc đối với Đông Dương, Trung ương nêu rõ "kẻ thù chính của ta lúc này là thực dân Pháp xâm lược, phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng" . Vì vậy phải "lập Mặt trận dân tộc thống nhất chống thực dân Pháp xâm lược" , mở rộng Mặt trận Việt Minh nhằm thu hút mọi tầng lớp nhân dân; thống nhất Mặt trận Việt - Miên – Lào, kiên quyết giành độc lập - tự do - hạnh phúc cho dân tộc. Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc nêu ra nhiệm vụ chủ yếu của nhân dân cả nước ta lúc nay là "củng cố chính quyền, chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống cho nhân dân" . Để thực hiện các nhiệm vụ đó Trung ương đề ra các công tác cụ thể: 
2.4.1. Về nội chính: xúc tiến việc bầu cử Quốc hội, thành lập chính phủ chính thức, lập Hiến pháp, củng cố chính quyền nhân dân. 
2.4.2. Về quân sự: động viên lực lượng toàn dân, kiên trì kháng chiến, tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến lâu dài. 
2.4.3. Về ngoại giao: kiên trì nguyên tắc "bình đẳng tương trợ", thêm bạn bớt thù, thực hiện khẩu hiệu "Hoa - Việt thân thiện" đối với quân đội Tưởng Giới Thạch và chủ trương "độc lập về chính trị, nhân nhượng về kinh tế" đối với Pháp. 
2.5. Kết quả việc thực hiện chính sách trên: Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc đã giải quyết kịp thời những vấn đề quan trọng về chỉ đạo chiến lược và sách lược cách mạng khôn khéo trong tình thế vô cùng hiểm nghèo của nước nhà. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mềm dẻo về thực hiện sách lược nhân nhượng trên nguyên tắc: nắm chắc vai trò lãnh đạo của Đảng, giữ vững chính quyền cách mạng, giữ vững mục tiêu độc lập thống nhất, dựa chắc vào khối đại đoàn kết dân tộc, vạch trần những hành động phản dân hại nước của bọn tay sai của Tưởng và nghiêm trị theo pháp luật những tên tay sai gây tội ác khi có đủ bằng chứng. Những chủ trương sách lược và biện pháp trên đây đã vô hiệu hoá các hoạt động phá hoại, đẩy lùi từng bước và làm thất bại âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng của chúng, bảo đảm cho nhân dân ta tập trung lực lượng kháng chiến chống thực dân Pháp ở miền Nam. Chính quyền nhân dân không những được giữ vững mà còn được củng cố về mọi mặt. 
2.6. Tiền đề lý luận của những chính sách trên
Chủ trương nhân nhượng với kẻ thù của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn dựa trên những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và phù hợp với hoàn cảnh của đất nước. V.I.Lê-nin cho rằng: "Do hoàn cảnh bắt buộc, nên có lúc ngay cả chính đảng cách mạng nhất của một giai cấp cách mạng nhất cũng cần phải thực hành thoả hiệp; vấn đề là ở chỗ phải biết cách thông qua tất cả những sự thoả hiệp đó mà giữ gìn, củng cố, tôi luyện và phát triển sách lược cách mạng, tổ chức cách mạng, ý thức cách mạng, sự quyết tâm, sự chuẩn bị của giai cấp công nhân và của đội tiền phong có tổ chức của nó, tức đảng cộng sản". Nhận thức sâu sắc quan điểm ấy và xuất phát từ thực tiễn của cách mạng Việt Nam thời kỳ 1945 - 1946, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện sách lược mềm dẻo, hoà hoãn. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá đúng âm mưu thủ đoạn và hành động phá hoại của các loại kẻ thù đối với cách mạng Việt Nam.
Thực hiện sách lược hoà hoãn, nhân nhượng với quân Tưởng và quân Pháp trong năm 1945 - 1946 là sự nhân nhượng có nguyên tắc, thể hiện sự tài tình, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một mặt, chúng ta kiên trì đấu tranh bằng phương pháp hoà bình đòi Tưởng - Pháp phải thi hành Hiệp định, mặt khác kiên quyết đấu tranh chống mọi âm mưu và những hành động phá hoại vi phạm chủ quyền, vi phạm độc lập dân tộc của Việt Nam. Tuy nhiên, với Hiệp định sơ bộ, do hoàn cảnh lịch sử và tương quan so sánh lực lượng chưa cho phép, chúng ta phải chấp nhận một nền độc lập, thống nhất bị hạn chế và có điều kiện. Song, tại Hội nghị Fountaineblau, ngày 14 - 9 - 1946, với thái độ kiên quyết, lập trường kiên định, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đòi phía Pháp phải ghi vào Hiệp ước vấn đề đình chỉ chiến sự ở Nam Bộ, thả tù chính trị, thực hiện các quyền tự do dân chủ ở Nam Bộ. Điều đó chứng tỏ Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn đấu tranh vì mục tiêu độc lập dân tộc của dân tộc Việt Nam. 
3. Nhân tố lãnh đạo của Hồ Chí Minh 
Chủ tịch Hồ Chí Minh bao giờ cũng có mối quan tâm đặc biệt đến ngoại giao nước nhà. Vinh dự lớn của ngành ngoại giao là được ra đời cùng với nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hoà và được Chủ tịch Hồ Chí Minh làm bộ trưởng, để lại dấu ấn không bao giờ phai. 
Hồ Chí Minh coi ngoại giao là một mặt trận không thể thiếu và cực kỳ quan trọng trong công cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà non trẻ khi mà thực lực về quân sự của ta còn hạn chế. 
Tất cả quyết sách của một quốc gia, kể cả quốc gia dân chủ nhất, đều có yếu tố chủ quan của nhà lãnh đạo. Không nằm ngoài đặc điểm này, Chủ tịch nước kiêm Bộ trưởng Bộ ngoại giao Hồ Chí Minh là nhân tố quan trọng trong việc đưa ra chính sách của Việt Nam trong giai đoạn 1945-1946. Trong phạm vi phân tích ảnh hưởng của cá nhân lãnh đạo, phần trình bày tiếp theo sẽ tập trung trả lời câu hỏi: “Những đặc điểm về tiểu sử và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ảnh hưởng như thế nào đến các quyết sách của Người trong giai đoạn 1945-1946 ?’’
  
3.1.Các nhân tố nội tại trong con người Hồ Chí Minh.

+ Trải nghiệm tuổi thơ của Hồ Chí Minh

Dù lớn lên trong một gia đình có vai vế trong xã hội, Bác cũng đã phải trải nghiệm và thấu hiểu những lầm than ,cơ cực của người dân bị đô hộ. Người tận mắt chứng kiến cảnh làm than của nhân dân, cảnh chính quyền chuyên chế của nhà vua bất lực trước quân Pháp hùng mạnh.
 
+ Tiếp cận kiến thức 

Tiếp thu nền Hán học từ cha và những người thầy tài giỏi, tiếp thu nền văn hóa phương Tây giai đoạn đầu khi đi học trường Quốc học.Văn hóa phương Đông cho người ta sự thâm thúy, tinh tế trong khi văn hóa phương Tây đem lại cái nhìn trực diện ,rõ ràng : giáo trình không có lịch sử Việt Nam mà chỉ có lịch sử Pháp quốc. Người nhận ra dân chủ không có ở xứ này khi sinh viên tham gia biểu tình chống lại giáo trình vô lý lại bị bắt bớ, nhân dân không được phép tư do hội họp và trong gần như mọi trường hợp, người dân bản xứ đều bị cư xử hoàn toàn không dựa trên nhân quyền . 

+ Tích lũy kinh nghiệm thực tế và mở rộng thế giới quan 

  Khi ở nước ngoài Hồ Chí Minh thực sự đã có trải nghiệm thực tế, sống cùng với người lao động nên Người hiểu được tình cảnh của họ. Nước Pháp, nước Mỹ giàu có hoa lệ là thế, nhưng dưới chân tháp Effen là những người nghèo, vô gia cư; dưới chân tượng Nữ thần tự do rêu mốc vẫn mọc đầy vì nơi đó ánh sáng mặt trời không rọi tới. Trong chính những quốc gia này cũng có những con người hết lòng vì phong trào giải phóng thế giới, chống lại chính phủ.

3.2. Dẫn chứng tiêu biểu cho sự tác động của các nhân tố trên tới chính sách đối ngoại giai đoạn này

  Hiểu biết, kinh nghiệm và bản tính cá nhân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa đến những nhận định đúng đắn, sáng suốt của Người: 
- Pháp là kẻ thù chính nhưng có thể hòa hoãn, ngoài ra “Phải đặt riêng bọn thực dân Pháp sang một bên mà đánh, đừng coi họ là kẻ thù ngang nhau. Đừng công kích nước Pháp, chỉ công kích bọn thực dân Pháp” . Vì sao Người có thể xác định được như vậy ? Là vì Người đã có quá trình thực tế bôn ba nước ngoài, chứng kiến và hiểu được người dân Pháp là những người hết sức ưa chuộng hòa bình, dã tâm xâm chiếm Việt Nam chỉ xuất phát từ Chính Phủ Pháp mà thôi.
- Bác chủ trương hòa hoãn với Tưởng. Việc kéo dài thời gian, tránh phải đương đầu với hai kẻ thù cùng một lúc, lợi dụng thời gian hòa hoãn để xoáy sâu vào mâu thuẫn trong nội bộ kẻ thù là hành động thể hiện sự tiếp thu văn hoá phương Đông của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Bác chọn con đường độc lập dân tộc. Rất nhiều ý kiến cho rằng nếu ta từ bỏ độc lập, theo Pháp ta sẽ đổi lại được một sự phát triển kinh tế đáng kể. Nhưng tại sao Người lại kiên quyết đi theo con đường gian nan : con đường độc lập dân tộc? Như đã trình bày ở trên, Người đã nếm trải trọn vẹn nỗi cơ cực của người dân mất nước, Người có thế giới quan vừa sâu sắc vừa tỉnh táo của một Người đã theo học cả văn hóa Phương Đông và Phương Tây, vì thế, Người sớm nhận ra rằng sự phát triển kinh tế mà chúng ta có được nếu theo Pháp cũng chỉ dến với một bộ phận rất nhỏ trong xã hội, nhân dân lầm than vẫn cứ lầm than, ta mãi mãi mang than phận ô nhục của người dân mất nước.
Tóm lại cuộc đời và những luồng tư tưởng mà Bác tiếp thu đã ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình hoạch định chính sách của Người.
 4. Có lựa chọn nào tốt hơn cho chính sách giai đoạn 1945-1946 ? 
 Những sách lược ngoại giao thời kỳ 1945- 1946 do bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Hồ Chí Minh đưa ra đã giúp cho chính quyền cách mạng non trẻ đứng vững trước sự chống phá điên cuồng và dữ dội của các thế lực thù trong giặc ngoài, trong hoàn cảnh Việt Nam chưa được bất cứ quốc qia nào công nhận, cũng như không nhận được sự ủng hộ nào về vật chất của các nước cộng sản khác. 

4.1. Giải tán hay không giải tán Đảng?

Về đối nội, "giặc đói, giặc dốt" - và ngân quỹ trống rỗng là những vấn đề đặc biệt hệ trọng. Rõ ràng, việc Hồ Chí Minh thi hành chính sách đối ngoại mềm dẻo, linh hoạt và nhượng bộ đến mức tối đa là có cơ sở và đúng đắn. Giả sử nếu Đảng ta cứ quyết tâm đánh ngay từ thời điểm này, do thực lực yếu, lại chịu sự bao vây tứ phía của kẻ thù, chắc chắn không những không đem lại kết quả gì, mà còn làm tổn hại đến sức người, sức của, nguy cơ nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà vừa thành lập bị đàn áp, xóa bỏ cũng là rất lớn. 
Tháng 11 năm 1945, Bác ra quyết định cho Đảng tự giải tán. Về mặt công khai, Đảng Cộng Sản Đông Dương không còn mà chỉ có một bộ phận hoạt động dưới danh nghĩa Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương. Nhiều người cho rằng, việc giải tán Đảng là một nước đi sai lầm của chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi quyết định này đã gây ra những hiểu lầm trong các chính đảng cộng sản quốc tế về việc Hồ Chí Minh cũng như Việt Nam không vững vàng, kiên định theo chủ nghĩa cộng sản. Những hiểu lầm này gây ra sự mất tin tưởng và không ủng hộ từ phía các chính đảng cộng sản, đặc biệt là quốc tế cộng sản. Trong thời kỳ gần như bị cô lập về chính trị, điều này là hết sức bất lợi đối với nước ta.  
Theo Thông cáo Đảng Cộng Sản Đông Dương tự ý giải tán, việc giải tán này nhằm phá tan tất cả những hiểu lầm ở trong nước và ngoài nước có thể trở ngại cho tiền đồ giải phóng của nước nhà.  
Nhưng theo Bùi Tín, tác giả “Mặt tích cực của Hồ Chí Minh”, “việc giải tán Đảng Cộng Sản Đông Dương đã mở ra một cơ hội ngàn vàng để thực hiện đoàn kết dân tộc”, “quyết định đúng đắn thì dù có thiểu số tán thành cũng vẫn có thể thực hiện được” .  
4.2. Vấn đề đối ngoại
 Pháp là kẻ thù chính của Việt Nam giai đoạn 1945-1946?
Ngoài Pháp trong giai đoạn này nhà nước non trẻ của ta phải đối mặt cùng lúc với các kẻ thù khác cũng vô cùng nguy hiểm, nhiều thủ đoạn: Tàu - Tưởng, Anh, Mỹ. Vậy, đánh giá pháp là kể thù chính có phải là một lựa chọn đúng trong đường lối của ta trong giai đoạn này hay chưa? 
Ta có thể thấy rằng:
+ Âm mưu của Tàu - Tưởng là kéo quân sang miền Bắc nước ta lật đổ chính quyền do Việt Minh tổ chức để đưa chính quyền bù nhìn lên thay.Chúng lo sợ Việt Minh muốn cải tổ chính phủ lâm thời để đưa tay chân của mình vào.Nhưng cũng có thông tin cho rằng trước sau Trùng Khánh sẽ cho Đông Dương về tay Pháp.
Qua đó thấy rằng, Tưởng không có ý đồ xâm lược nước ta mà chỉ có ý đồ cải tổ chính phủ lâm thời. Tức là đàm phán giữa ta và Tưởng sẽ có nhiều thuận lợi.
+ Về phía Anh: Sau Hội nghị Posdam, Anh vào miền Nam Việt Nam nhằm giáp quân phát xít Nhật, nhưng vì một số lợi ích của mình, Anh mở đường cho Pháp quay lại Việt Nam.
Tuy nhiên có thể thấy Anh cũng không có dã tâm xâm lược Việt Nam. Việc làm của Anh chỉ để thỏa mãn lợi ích riêng, không hề đáng lo ngại.
+ Pháp có dã tâm dựa vào Anh và các thế lực đồng minh khác có mặt tại Đông Dương đưa quân đội vào chiếm nước ta.
Như thế so với các kẻ thù khác , ta nhận thấy mưu đồ của Pháp có ảnh hưởng trực tiếp nhất đến nền độc lập của ta.Việc xác định Pháp là kẻ thù chính của ta trong giai đoạn này là hoàn toàn hợp lí, không thể khác được.

 Có cần thiết phải thực hiện chính sách “Hòa để tiến” với thực dân Pháp?
Chấp nhận hòa hoãn với Pháp có thể tạo cơ hội chi bọn phản động lợi dụng cơ hội này để tuyên truyền, lừa phỉnh nhân dân ta, vu cho ta tội phản quốc, bán nước.Trầm trọng hơn, nó có thể khiến nhà nước non trẻ của ta mất đi niềm tin từ phía nhân dân.Chính sách này cũng đồng thời tạo điều kiện để quân Pháp gia tăng quân trên nước ta chờ cơ hội bội ước tiêu diệt ta.
Nhưng hòa hoãn với pháp sẽ giúp ta phá được âm mưu của các thế lực khác như : Tàu trắng, Phát xít, … đồng thời bảo toàn được lực lượng của ta. Đánh là ta rơi vào bẫy của Việt Quốc, Việt Cách. Ta cũng nhờ thế mà có được sự đồng tình, thiện chí của nhân dân thế giới. Thời gian chuẩn bị lực lượng cho cuộc chiến đấu tiến tới giành độc lập hoàn toàn cũng nhờ thế mà kéo dài thêm.
Các lợi ích mà ta đạt được khi thực hiện chính sách hòa để tiến với thực dân Pháp đã chứng minh rõ ràng rằng quyết định của lãnh đạo ta là hoàn toàn đúng đắn.

 Nên hay không nên kí Hiệp định Sơ Bộ 6 tháng 3 năm 1945? 

Lãnh đạo là một yếu tố quyết định đến hình thành chính sách đối ngoại của mỗi quốc gia. Trong giai đoạn 1945- 1946, vai trò tích cực đúng đắn của lãnh đạo được chứng minh chuẩn xác trong các quyết sách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cần nói thêm rằng một quyết định của quốc gia cần có thời gian để kiểm định, vì yêu cầu đối với cá nhân lãnh đạo là khả năng nhìn ca trông rộng, dự đoán xu thế ngoài việc đánh giá đúng tình hình. Nhận thức vấn đề theo cách này nên tôi chấp nhận việc đưa vào cả những phản ứng của phần lớn dư luận ngay sau khi một chính sách ra đời, vì dẫu sao phản ứng của đám đông cũng cần được tôn trọng, dù theo Le Bon, “đám đông căn bản không có lý trí đúng đắn khi cần phản ứng nhanh tích cực trước một vấn đề”. Năm 1946, Việt Nam ở trong tình thế hết sức nguy hiểm và yêu cần có hành động cấp bách. Hoà ước 6 tháng 3 Bác ký với Pháp chứng tỏ tầm nhìn của một lãnh đạo thực thụ. 
Tại giai đoạn này, ý đồ thực sự của Trung Quốc chỉ là bành trướng ảnh hưởng tại Việt Nam, cụ thể là Bắc Việt, Trung Quốc hoàn toàn không có ý định xâm lược cả nước Viêt Nam vì e sợ thế lực của Pháp. Trong khi đó quân Pháp lại muốn chiếm được toàn bộ Việt Nam, với tự tin của một nước đế quốc già. Chúng ta ký hoà ước với Pháp, hiển nhiên quân Tưởng phảI rút toàn bộ về nước, mà ta lại không mất hòn tên mũi đạn nào. Dư luận khi đó, và đến bây giờ theo luận điệu của bên chống đối thì bỏ chữ “độc lập”, chỉ giữ “tự do” là hành động bán nước đớn hèn của Hồ Chí Minh.
Rõ ràng cách đánh đuổi Tưởng này chỉ có một đấu óc tư duy thiên tài mới nghĩ ra được. Nhìn nhận lại lịch sử, câu hỏi đặt ra là liệu mình có thể làm gì khác không? Có lựa chọn nào tối ưu hơn không?
Giải pháp 1: Thay vì ký hiệp định với Pháp, ta ký với Trung Quốc vì Trung Quốc dẫu sao cũng gần hơn:
1. Lịch sử hàng ngàn năm Bắc thuộc của dân tộc ngăn cản hành động này
2. Nhận thức là Trung Quốc muốn ta chia rẽ 2 miền thay vì thống nhất
3. Trung Quốc cũng không quá mạnh, và bản thân cũng có nhiều mâu thuẫn nội tại cần giải quyết
Giải pháp 2: Liên Xô
1. Liên Xô ở xa, lại có Trung Quốc ở giữa
2. Liên Xô chưa có quan hệ, ảnh hưởng đến Việt Nam giai đoạn này
3. Liên Xô vẫn còn băn khoăn không biết Hồ Chí Minh là nhà cộng sản hay người theo chủ nghĩa dân tộc nên giai đoạn này ta chưa có sự ủng hộ giúp đỡ của Liên Xô
Giải pháp 3: Chống cả Pháp và Tưởng cùng lúc
1. Ta không đủ lực
2. Ta không kết hợp được sức mạnh của khối trong giai đoạn này
Kết luận, lịch sử luôn có cách đánh giá vấn đề sáng suốt và đúng đắn hơn sau hàng thập kỷ kiểm nghiệm. Hành động của ngoại giao Việt Nam, dưới ảnh hưởng của yếu tố lãnh đạo là Hồ Chủ tịch đã đem đến hoà bình, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ cho nước Cộng hoã xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau này, đó mới là cái đích cuối cùng của Hiệp định Sơ Bộ 6/3, tạm gọi là lùi một bước để tiến 3 bước này.
Ta có thể thấy rằng, trước yêu cầu lich sử đặt ra trong giai đoạn này, những quyết sách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là câu trả lời trọn vẹn và thích hợp nhất.


III. KẾT LUẬN

Đứng trước những sóng gió ác liệt của giai đoạn 1945- 1946, con thuyền cách mạng Việt Nam đã phải trải qua những thử thách khó khăn nhất. Song bản lĩnh Việt Nam, bản lĩnh của những con người lãnh đạo đã ngời sáng kịp thời đưa con thuyền ấy vượt qua mọi giông tố và thác ghềnh. Dưới bàn tay chèo lái tài tình sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã thực hiện thắng lợi những sách lược mềm dẻo, hết sức linh hoạt và có nguyên tắc trong lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ địch, phân hoá và cô lập cao độ kẻ thù chính, kẻ thù nguy hiểm trước mắt, trung lập tối đa những người có thể tranh thủ được, nhằm làm suy yếu kẻ thù, tăng thêm sức mạnh cho chính quyền cách mạng non trẻ và tạo điều kiện đưa cách mạng tiến lên phía trước. Chiến thắng này mãi là trang sử chói ngời trong lịch sử ngoại giao Việt nam, là mẫu mực về nghệ thuật nhân nhượng có nguyên tắc. Với các cương vị chủ tịch nước và hoạt động quốc tế vô cùng phong phú, từ thực tiễn Việt Nam và thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra, phát triển nhiều nguyên lý, luận điểm về thời đại, về đường lối quốc tế và để lại những tư tưởng lớn về các vấn đề quốc tế, đường lối chính sách đối ngoại của Việt nam, về phương pháp, phong cách và nghệ thuật ngoại giao, đặt nền móng cho quá trình từng bước xây dựng trường phái ngoại giao Việt nam sau này. Qua nghiên cứu và tìm hiểu, rõ ràng ta đã thấy, những bước đi, những chính sách mà Đảng Nhà Nước và Hồ Chủ tịch khi đó lựa chọn là cách thức duy nhất để ta vượt qua giai đoạn đầy thử thách đó của lịch sử. Không có sự lựa chọn nào tốt hơn!
Hiện nay, Việt Nam đã và đang bước đầu tiến vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước song song với việc hội nhập quốc tế. Phương châm của chúng ta là phát huy tối đa nội lực và tận dụng tối đa ngoại lực. Đối diện với sự chồng chéo các mối quan hệ và sự cọ xát và tương tác của các lợi ích, rõ ràng ngoại giao Việt Nam cần suy xét đến hiện tại và lâu dài, đưa ra dự báo và chuẩn bị cho tương lai, chủ động và linh hoạt để bảo vệ và thực hiện được tốt nhất lợi ích của mình, để thực hiện triệt để và thành công chính sách đối ngoại. Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn Đảng, toàn dân ta, Việt Nam đang dần xây dựng được vị thế vững chắc trên trường quốc tế. Đó là một thắng lợi lớn của chúng ta thời kì hoà bình, trong đó có một phần lớn công đóng góp của công tác đối ngoại.
Ngoại giao Việt Nam luôn thống nhất ở một quan điểm “muốn làm bạn và là đối tác tin cậy với tất cả các nước" trên cơ sở giữ vững những nguyên tắc cơ bản về đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đồng thời góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân tiến bộ trên thế giới. 

2 nhận xét:

Nặc danh nói...

Quá hay, mình học Quốc Gia , đọc bài này mà phục bạn wa. Cop thui! Xin nhá

Nặc danh nói...

hay quá bạn ạ.... tks bạn

Đăng nhận xét